Hầu hết người dân thường lại không có lỗi về tình trạng rối ren trên thị trường vàng: lỗi chính thuộc về giới đầu cơ. |
Còn quá sớm để đánh giá hiệu quả của nó. Trước mắt, người ta thấy giá vàng trong nước có giảm và thu hẹp khoảng cách so với giá thế giới; nhu cầu vàng miếng cũng giảm.
Nhưng điều chắc chắn là thói quen giữ vàng trong dân sẽ không giảm, nghĩa là nhu cầu mua bán vàng trong khu vực tư không giảm. Ai cũng biết, thói quen này đã được thử thách trong một thời gian dài, đặc biệt là dưới chế độ kinh tế tập trung, bao cấp, khi mà việc lưu thông vàng nói chung, chứ không chỉ vàng miếng, trong dân bị coi là hành vi phạm pháp. Bất chấp các nỗ lực kiểm soát, chế tài nặng, nhẹ của nhà chức trách thời đó, thói quen cầm giữ vàng, như một kiểu bảo tồn tài sản tư lý tưởng, cả về các phương diện vật chất và giá trị, vẫn tồn tại, phổ biến ngoài vòng luật pháp một cách ngang bướng. Rốt cuộc, nhà chức trách phải nhượng bộ: cùng với việc triển khai chính sách kinh tế thị trường, các quy định về cấm mua bán, tàng trữ vàng trong khu vực tư dần rơi vào quên lãng. Chẳng biết từ lúc nào, các quy định ấy không còn được áp dụng mà không cần chính thức bị huỷ bỏ.
Một khi nhu cầu giữ, mua bán vàng còn nguyên, mà điều kiện đáp ứng nhu cầu đó lại bị luật pháp thu hẹp, thì tự nhiên sẽ có hiện tượng đối phó, thích nghi với khung pháp lý chật hẹp hơn trước, để mọi chuyện vẫn có thể diễn ra như ngày hôm qua, hôm kia. Một đứa trẻ cũng biết chắc rằng những nơi đã là điểm giao dịch mua bán từ bao lâu nay sẽ làm mọi việc có thể để tiếp tục là nơi mua bán, dù bây giờ không còn được phép.
Có thể một bộ phận người dân sẽ cố gắng đi tìm nơi mua bán hợp pháp cho chắc ăn, yên tâm. Tuy nhiên, trong điều kiện chẳng có một nguồn chính thức nào chứa đựng đầy đủ thông tin, chỉ dẫn về những địa chỉ được phép giao dịch, người muốn giao dịch cho hợp pháp hẳn sẽ vất vả, mất cả thời gian, công sức, chi phí trong việc tìm kiếm điểm giao dịch gần nơi mình cư trú hoặc thường xuyên lui tới. Chưa nói đến chuyện luật bất thành văn “mua đâu bán đó” có thể khiến cho một số lớn người dân có vàng bị đối xử như người lạ và vàng của họ bị coi là hàng lạ, đáng ngờ, khi họ đến giao dịch lần đầu tại một điểm mua bán hợp pháp nào đó.
Người dân nhận thấy sau một đêm, quyền giao dịch của mình đối với một loại tài sản, mà mới hôm trước được luật pháp đối xử chẳng khác gì so với các loại tài sản thông thường khác, bỗng dưng bị thu hẹp, hạn chế |
Đáng nói hơn hết là tất cả người dân nhận thấy sau một đêm, quyền giao dịch của mình đối với một loại tài sản, mà mới hôm trước được luật pháp đối xử chẳng khác gì so với các loại tài sản thông thường khác, bỗng dưng bị thu hẹp, hạn chế. Việc mua bán tài sản này từ nay trở nên phức tạp, bất tiện hơn nhiều. Trong khi đó, hầu hết người dân thường lại không có lỗi về tình trạng rối ren trên thị trường vàng: lỗi chính thuộc về giới đầu cơ.
Đáng lý ra, thay vì thu hẹp một cách đột ngột và cơ học mạng lưới giao dịch vàng mà người dân đã quen tiếp xúc, nhà chức trách có biện pháp chủ động tổ chức kiểm định chất lượng của mạng lưới theo các tiêu chí chống gian dối, chống đầu cơ chứ không phải áp đặt các điều kiện kinh doanh quá khắt khe để thu hẹp chúng một cách có chủ ý. Mục tiêu cuối cùng là nhằm làm cho sự phục vụ của mạng lưới ngày càng tốt hơn mà độ phủ rộng cũng là một tiêu chí. Có thể đặt ra một thời hạn hợp lý nào đó để từng điểm kinh doanh vàng miếng có điều kiện trải qua một cuộc sát hạch minh bạch, công khai, sòng phẳng và phải tổ chức lại việc kinh doanh của mình theo các yêu cầu đó để được tiếp tục tồn tại. Với cách làm đó, những cửa hàng bị loại ra khỏi mạng lưới không có gì ấm ức. Xã hội, người dân, về phần mình, cũng hiểu và tự động quay lưng với những cửa hàng không đạt chuẩn kiểm định. Cuộc sàng lọc diễn ra theo đúng luật cạnh tranh sẽ giúp xã hội có được những điểm giao dịch tốt nhất, nơi mà người dân có thể đến giao dịch một cách an toàn và không lo bị ép giá.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện