Ảnh minh họa |
Cụ thể, dự thảo quy định Ngân hàng nhà nước mua, bán vàng miếng để can thiệp, bình ổn thị trường vàng trong nước và được sử dụng tiền cung ứng để mua vàng miếng bổ sung vào dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước thực hiện mua, bán vàng miếng với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có thiết lập quan hệ mua bán với Ngân hàng Nhà nước.
Giá mua, giá bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.
Đồng thời, dự thảo quy định Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm quyết định phương án mua, bán vàng miếng để can thiệp thị trường vàng.
Trong đó, phương án can thiệp phải đảm bảo thực hiện theo cơ chế công khai, minh bạch với các nội dung: Thời điểm mua, bán; khối lượng vàng miếng mua, bán; cách thức thực hiện; hình thức mua, bán; đối tượng thực hiện mua, bán.
Còn các mức giá mua, bán cụ thể phù hợp với từng cách thức thực hiện mua bán. Ngân hàng Nhà nước lựa chọn và quyết định cụ thể việc mua, bán vàng miếng trong từng lần giao dịch theo 1 trong 2 cách thức: Mua, bán vàng miếng trực tiếp hoặc mua, bán vàng miếng thông qua đấu thầu.
Dự thảo cũng quy định Ngân hàng Nhà nước thực hiện mở tài khoản, mua vàng ở nước ngoài để nhập khẩu vàng nguyên liệu bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước khi thực hiện bán vàng miếng.
Khi thực hiện mua, bán can thiệp thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước phải tuân thủ cơ cấu, tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Được biết, để sẵn sàng tổ chức triển khai phương án can thiệp thị trường, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn các quy định tại Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để hoạt động mua, bán vàng miếng được thực hiện ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định.
Dự thảo đang được công bố lấy ý kiến nhân dân.
Trần Mạnh