Giảm 06 cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Xây dựng

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
09/08/2022 08:31 AM

“Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng bao gồm những cơ quan nào? Theo Nghị định 52/2022/NĐ-CP thì giảm bao nhiêu tổ chức, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ?” (anh Bình, TP.HCM)

Giảm 06 cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Xây dựng

Giảm 06 cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Xây dựng

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 52/2022/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng.

1. Giảm 06 cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Xây dựng

Trong đó, quy định mới về cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng từ ngày 08/8/2022 bao gồm các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập sau đây:

1. Vụ Quy hoạch - Kiến trúc.

2. Vụ Vật liệu xây dựng.

3. Vụ Khoa học công nghệ và môi trường.

4. Vụ Kế hoạch - Tài chính.

5. Vụ Pháp chế.

6. Vụ Hợp tác quốc tế.

7. Vụ Tổ chức cán bộ.

8. Văn phòng.

9. Thanh tra.

10. Cục Kinh tế xây dựng.

11. Cục Quản lý hoạt động xây dựng.

12. Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng.

13. Cục Phát triển đô thị.

14. Cục Hạ tầng kỹ thuật.

15. Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản.

16. Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị.

17. Báo Xây dựng.

18. Tạp chí Xây dựng.

19. Trung tâm Thông tin.

Trong đó, các đơn vị từ khoản 1 - 15 là các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

(So với hiện hành, không còn quy định Cục Công tác phía Nam và Vụ Quản lý doanh nghiệp).

Các đơn vị từ khoản 16 - 19 là các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc bộ.

(So với hiện hành, không còn một số đơn vị sự nghiệp công lập như: Viện Kinh tế xây dựng; Viện Khoa học công nghệ xây dựng; Viện Kiến trúc quốc gia; Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia).

Như vậy, so với 25 cơ quan, đơn vị sự nghiệp trước đây thì Nghị định 52/2022/NĐ-CP đã giảm đi 06 cơ quan.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc bộ.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Vụ, Cục, Văn phòng, Thanh tra bộ, đơn vị sự nghiệp công lập và các đơn vị khác thuộc bộ theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Cục Công tác phía Nam tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cho đến khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Xây dựng về nhà ở

Theo Nghị định 52/2022/NĐ-CP, thì nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Xây dựng về nhà ở bao gồm:

Xây dựng Chiến lược nhà ở quốc gia cho từng thời kỳ, chỉ tiêu phát triển nhà ở và kế hoạch nhà ở trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hàng năm và theo từng giai đoạn; tổ chức thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

Xây dựng các cơ chế, chính sách và giải pháp phát triển nhà ở xã hội, hỗ trợ nhà ở cho từng nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định pháp luật;

Quy định và hướng dẫn tiêu chí xác định nhu cầu nhà ở trong nội dung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; hướng dẫn định mức kinh phí để xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương;

Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở trên phạm vi toàn quốc; các chương trình, đề án, dự án phát triển nhà ở trọng điểm theo nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi được phê duyệt;

Thẩm định các nội dung liên quan đến nhà ở để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật nhà ở; công nhận chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ;

Ban hành quy định về tiêu chí phân loại, quy chế quản lý, sử dụng, quản lý vận hành, chế độ bảo hành, bảo trì các loại nhà ở; ban hành chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý vận hành nhà chung cư;

Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chuẩn nhà ở công vụ; thẩm định nhu cầu về nhà ở công vụ, kế hoạch phát triển nhà ở công vụ của các cơ quan trung ương (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an);

Hướng dẫn phương pháp xác định giá thuê nhà ở công vụ, giá bán, giá thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội; phương pháp xác định chi phí dịch vụ quản lý vận hành nhà ở; hướng dẫn về đối tượng, điều kiện, quy trình lựa chọn đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở;

Tổ chức tạo lập, quản lý vận hành, bố trí cho thuê nhà ở công vụ của Chính phủ theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ;

Hướng dẫn quy định về điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, tiêu chuẩn thiết kế và điều kiện tối thiểu xây dựng nhà ở xã hội theo mô hình riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân;

Đề xuất các chương trình điều tra, thống kê về nhà ở trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;

Xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà ở thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, kết nối và chia sẻ với cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia theo quy định của pháp luật.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,945

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]