Trường hợp duy nhất được tăng biên chế công chức (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Hiện hành, không có định nghĩa về biên chế. Nhưng quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 108/2014/NĐ-CP có đề cập:
“Biên chế” sử dụng trong Nghị định này được hiểu gồm: biên chế cán bộ, biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và lao động hợp đồng được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.
Trong đó, cán bộ là công dân Việt Nam được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm theo nhiệm kỳ trong cơ quan Nhà nước… trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan Nhà nước, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Tại Quy định 70-QĐ/TW năm 2022 về quản lý biên chế của hệ thống chính trị do Ban Chấp hành Trung ương ban hành, có nêu nguyên tắc quản lý biên chế công chức, viên chức như sau:
- Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo quản lý biên chế trong hệ thống chính trị. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức thực hiện trách nhiệm quản lý biên chế theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- Tổng biên chế của hệ thống chính trị được quyết định theo nhiệm kỳ 5 năm và khi cần thiết.
- Giao chỉ tiêu biên chế do cấp có thẩm quyền quyết định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
Bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách hành chính, cải cách chính sách tiền lương.
- Tăng cường phân cấp, phân quyền, nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu trong công tác quản lý, sử dụng biên chế.
Chỉ thực hiện tăng chỉ tiêu biên chế khi được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập tổ chức mới, bổ sung chức năng, nhiệm vụ.
Như vậy, chỉ có 01 trường hợp duy nhất được tăng chỉ tiêu biên chế khi được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập tổ chức mới, bổ sung chức năng, nhiệm vụ.
Theo Quyết định 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022, tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2022-2026 là 1.979.433 biên chế, trong đó:
- Các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các đảng uỷ khối trực thuộc Trung ương là 6.285 biên chế, gồm 3.335 cán bộ, công chức và 2.950 viên chức.
- Các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương (cấp tỉnh và cấp huyện) là 64.266 biên chế, gồm 55.949 cán bộ, công chức; 6.959 viên chức và 1.358 biên chế công đoàn tạm giao.
- Chính quyền địa phương (gồm UBND và HĐND) cấp tỉnh trở xuống, đơn vị sự nghiệp công lập, hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở địa phương; cán bộ, công chức cấp xã là 1.908.882 biên chế:
+ 140.826 cán bộ, công chức.
+ 1.562.485 viên chức.
(Trong đó, 65.980 biên chế giáo viên bổ sung giai đoạn 2022 - 2026. Riêng năm học 2022 - 2023 tạm giao 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương).
+ 205.571 cán bộ, công chức cấp xã (tạm tính theo số liệu năm 2021, sau đó thực hiện theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP và giảm tương ứng theo lộ trình giảm các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2022 - 2026).