TP.HCM: Yêu cầu thí điểm giáo dục “Trí tuệ nhân tạo - AI” trong trường phổ thông (Hình từ Internet)
Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh ban hành Công văn 3157/SGDĐT-GDTrH ngày 06/9/2022 hướng dẫn nhiệm vụ Giáo dục trung học năm học 2022-2023.
Theo đó, đặt ra một số giải pháp, nhiệm vụ nhằm tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất của người học như sau:
- Tăng cường dạy học 2 buổi/ngày, thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản 2848/GDĐT-TrH ngày 06/9/2019 về hướng dẫn thực hiện chương trình dạy học và hoạt động giáo dục 2 buổi/ngày tại các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh từ năm học 2019 - 2020.
- Tổ chức các hoạt động, mô hình giáo dục sáng tạo, lồng ghép định hướng nghề nghiệp.
Khuyến khích học sinh nghiên cứu các ứng dụng trong đời sống thực tiễn thông qua các dự án nhỏ và vừa, phù hợp lứa tuổi.
Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ, đội nhóm học thuật trong nhà trường làm nền tảng cho hoạt động học sinh nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh giáo dục STEM, STEAM (theo Công văn 3089/BGDĐT-GDTrH ngày 14/8/2020) và từng bước thí điểm hoạt động giáo dục “Trí tuệ nhân tạo - AI” trong trường phổ thông.
Triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020 - 2030” theo Quyết định phê duyệt của UBND thành phố.
- Triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả hoạt động dạy học trực tuyến theo các quy định mới; làm nền tảng để xây dựng xã hội học tập, khuyến khích người dân học tập suốt đời một cách thông minh, trên nền tảng của công nghệ truyền thông, mạng Internet, …
- Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại, phát huy tính chủ động, tích cực, và sáng tạo của học sinh; đẩy mạnh hoạt động chuyên đề, tổ chức trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh.
Kĩ năng ứng dụng lý thuyết được học để giải quyết các vấn đề của thực tế đời sống; các kĩ năng sống, kĩ năng thực hành xã hội cần thiết, phù hợp với lứa tuổi và đáp ứng nhu cầu xã hội, nhất là khả năng hội nhập quốc tế.
- Thực hiện đổi mới đánh giá học sinh, nâng cao chất lượng kiểm tra định kỳ (quy chế tổ chức; đề kiểm tra xây dựng ma trận đề đảm bảo các mức độ theo quy định; áp dụng đa dạng các hình thức kiểm tra, đánh giá).
Tiếp tục tổ chức khảo sát chất lượng học sinh lớp 7, 9, 11 làm cơ sở để đánh giá tình hình học tập và điều chỉnh kịp thời việc giảng dạy và đánh giá học sinh.
Tham mưu triển khai đề án, kế hoạch chuẩn bị tốt điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng theo quy định; tổ chức dạy tin học theo các chuẩn quốc tế.
- Xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, dân chủ, an toàn, chất lượng và bình đẳng; tăng cường các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, giá trị sống, kĩ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kĩ năng tự bảo vệ bản thân, ý thức giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp, giáo dục ý thức, trách nhiệm của công dân,… cho học sinh.
Thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua của của ngành, của thành phố phù hợp điều kiện từng đơn vị, cơ sở giáo dục.
Xem chi tiết tại Công văn 3157/SGDĐT-GDTrH ngày 06/9/2022.
Như Mai