Đại học là gì? Sự khác nhau giữa đại học và trường đại học

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
20/08/2022 17:10 PM

Xin hỏi là đại học là gì? Trường đại học và đại học có giống nhau hay không? - Quý Bình (Quảng Trị)

Đại học là gì? Sự khác nhau giữa đại học và trường đại học

Đại học là gì? Sự khác nhau giữa đại học và trường đại học

1. Đại học là gì?

- Trường đại học, học viện (sau đây gọi chung là trường đại học) là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo Luật Giáo dục đại học 2012 sửa đổi 2018.

- Đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định Luật Giáo dục đại học 2012 sửa đổi 2018.

Các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.

Như vậy, đại học là tập hợp nhiều cơ sở giáo dục đại học đào tạo. Do đó, đại học có thể bao gồm nhiều trường đại học và một số các cơ sở giáo dục đại học khác.

Tại Việt Nam có một số đại học, đơn cử như: Đại học Quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội,..

(Khoản 2, 3 Điều 4 Luật Giáo dục đại học 2012 sửa đổi 2018)

2. Cơ sở giáo dục đại học

- Cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân, bao gồm đại học, trường đại học và cơ sở giáo dục đại học có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật

Đại học quốc gia, đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.

- Loại hình cơ sở giáo dục đại học bao gồm:

+ Cơ sở giáo dục đại học công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và là đại diện chủ sở hữu;

+ Cơ sở giáo dục đại học tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động.

Cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục đại học mà nhà đầu tư cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, được ghi nhận trong quyết định cho phép thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục đại học; hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức;

Phân lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học.

Chỉ chuyển đổi cơ sở giáo dục đại học tư thục sang cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

- Các loại hình cơ sở giáo dục đại học bình đẳng trước pháp luật.

- Căn cứ vào năng lực và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở giáo dục đại học xác định mục tiêu phát triển, định hướng hoạt động như sau:

+ Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu;

+ Cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng.

- Chính phủ quy định chi tiết việc công nhận cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu trên cơ sở kết quả đào tạo, nghiên cứu;

Chuyển trường đại học thành đại học;

Liên kết các trường đại học thành đại học;

Việc chuyển đổi cơ sở giáo dục đại học tư thục sang cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận;

Nguyên tắc đặt tên, đổi tên cơ sở giáo dục đại học; tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học được thành lập theo hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.

(Điều 8 Luật Giáo dục đại học 2012 sửa đổi 2018)

3. Đại học quốc gia

- Đại học quốc gia là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển.

- Đại học quốc gia có quyền tự chủ cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy. Đại học quốc gia chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các bộ, ngành khác và Ủy ban nhân dân các cấp nơi đại học quốc gia đặt địa điểm, trong phạm vi chức năng theo quy định của Chính phủ và phù hợp với pháp luật.

Đại học quốc gia được làm việc trực tiếp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để giải quyết những vấn đề liên quan đến đại học quốc gia. Khi cần thiết, giám đốc đại học quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến hoạt động và phát triển của đại học quốc gia.

- Chủ tịch hội đồng đại học quốc gia và giám đốc, phó giám đốc đại học quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm.

- Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đại học quốc gia.

(Điều 7 Luật Giáo dục đại học 2012 sửa đổi 2018)

4. Trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục đại học

- Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm:

+ Trình độ đại học;

+ Trình độ thạc sĩ;

+ Trình độ tiến sĩ.

- Hình thức đào tạo để cấp văn bằng các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm:

+ Chính quy;

+ Vừa làm vừa học;

+ Đào tạo từ xa.

Việc chuyển đổi giữa các hình thức đào tạo được thực hiện theo nguyên tắc liên thông.

- Cơ sở giáo dục đại học được tổ chức hoạt động giáo dục thường xuyên, cung cấp dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cấp chứng chỉ, chứng nhận phù hợp với ngành, lĩnh vực đào tạo của mỗi cơ sở theo quy định của pháp luật để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học.

- Chính phủ quy định trình độ đào tạo đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù.

(Điều 6 Luật Giáo dục đại học 2012 sửa đổi 2018)

Ngọc Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 35,426

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]