Liên quan tới vụ TNGT thảm khốc tại Khánh Hoà, sáng 8-3, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp, trực tiếp có mặt tại hiện trường cho biết: “Hạ tầng tại khu vực xảy ra tai nạn tốt, đoạn cua không lớn, hành lang giao thông thoáng rộng. Một trong 2 xe khách đã nép hẳn vào bên lề đường để tránh, nhưng chiếc xe khách Chín Nghĩa (Quảng Ngãi) lấn toàn bộ làn đường, đâm chính diện gây thương vong cho nhiều người và hỏng xe hoàn toàn”.
Nhắc tới vụ TNGT này trong hội nghị của thanh tra ngành diễn ra sáng cùng ngày, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng, cần thanh tra việc đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe và kinh doanh vận tải. Trong đó, chú trọng nâng cao đạo đức người lái xe.
“Cần khai thác hiệu quả thiết bị giám sát hành trình để có cơ sở phạt chủ phương tiện. Những người này khoán hoàn toàn xe khách cho tài xế. Lâu nay, cơ quan chức năng chỉ xử phạt tài xế. Tổng Cục Đường bộ VN phải làm sao để cầu đường êm thuận, biển báo rõ ràng, chứ đừng bẫy người dân”, ông Thăng nói.
Chiều cùng ngày, Phó tổng Cục Đường bộ Nguyễn Văn Quyền nói: “Hiện chưa có đánh giá cụ thể để biết nguyên nhân vụ TNGT thảm khốc ở Khánh Hoà liên quan hay không tới việc đào tạo sát hạch cấp phép lái xe. Bởi vì có nhiều nguyên nhân dẫn tới TNGT chứ không riêng gì tay nghề lái xe. Tuy nhiên, thực trạng vận tải khách đã được Tổng cục Đường bộ nêu rõ”.
Cụ thể: Công tác quản lý nhà nước về vận tải chậm đổi mới, mang nặng tính mệnh lệnh hành chính, chưa theo kịp thực tiễn, khuyến khích được những đơn vị làm tốt, đào thải những đơn vị yếu kém.
Phần lớn, các đơn vị vận tải nhỏ lẻ không thực hiện quản lý mà chỉ núp bóng doanh nghiệp, hợp tác xã dưới dạng đứng ra làm các thủ tục theo quy định đối với cơ quan quản lý thu phí dịch vụ như thuê xe, mua thương hiệu rồi giao cho chủ hoặc lái xe đảm nhận.
Gần đây, Tổng cục Đường bộ còn tiết lộ: Cả nước còn 16 sở GTVT không có cán bộ chuyên môn được đào tạo bài bản trong lĩnh vực quản lý vận tải, phải làm trái nghề. Chưa kể, có một lỗ hổng được ông Quyền chỉ ra: Hiện nay, theo quy định của phía CSGT, khi tước giấy phép lái xe (GPLX) của người vi phạm phải thông báo cho các Sở GTVT và Tổng Cục Đường bộ.
Tuy nhiên, việc này làm chưa đầy đủ nên dẫn tới tình trạng: Người bị tước GPLX đã lợi dụng làm mất giấy tờ (trên thực tế bị tước do vi phạm) và xin cấp lại. Do không có thông tin nên các đơn vị chức năng vô tư cấp lại cho người vi phạm bị thu GPLX.
Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc vừa phê bình 23 địa phương có số người tử vong vì TNGT tăng trên 30% (gồm Đà Nẵng, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Phú Thọ, TP HCM, Lạng Sơn, Khánh Hoà, Bắc Ninh, Vĩnh Long, Đắk Lắk, Gia Lai, Cần Thơ, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Bình Dương, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu, Lai Châu, Yên Bái, An Giang). Theo đó, TNGT 2 tháng đầu năm tăng cao chủ yếu do vi phạm trật tự ATGT tăng; người điều khiển xe mô tô, xe máy phóng nhanh vượt ẩu, lấn đường; uống rượu bia điều khiển xe, không đội mũ bảo hiểm; xe khách chở quá số người quy định, vi phạm tốc độ, dừng đón trả khách sai quy định... Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, tính đến hết tháng 2, cả nước xảy ra 5.636 vụ TNGT làm 1.973 người chết và 5.794 người bị thương (số người chết tăng 298 người). |
Đình Thắng