Sửa quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế

14/10/2022 16:50 PM

(Chinhphu.vn) - Bộ Tư pháp đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

Sửa quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế

Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, tiêu chuẩn, chế độ ưu đãi cho người làm công tác pháp chế

Bộ Tư pháp cho biết, ngày 04/7/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 55/2011/NĐ-CP).

Sau hơn 10 năm thực hiện, công tác pháp chế đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững an ninh, quốc phòng; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế: Chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật được nâng cao; tổ chức pháp chế được thành lập, củng cố và kiện toàn; nguồn nhân lực làm công tác pháp chế từng bước được phát triển với chất lượng ngày càng cao; cơ chế phối hợp trong lãnh đạo và triển khai công tác pháp chế từng bước được xác lập, hiệu quả hơn…

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Nghị định số 55/2011/NĐ-CP còn một số tồn tại, hạn chế sau:

Thực tiễn cho thấy, để thực hiện nhiệm vụ được giao, một số cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo nghề đã thành lập tổ chức pháp chế hoặc bố trí người làm công tác pháp chế chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.

Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức của tổ chức pháp chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được quy định cụ thể trong Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc kiện toàn về bộ máy cũng như triển khai thực hiện nhiệm vụ của tổ chức pháp chế tại các đơn vị này.

Sau khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP được ban hành, nhiều văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới có điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức pháp chế về xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra, rà soát hệ thống hóa VBQPPL, bồi thường nhà nước, hợp nhất VBQPPL, theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế…

Do đó, một số quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP không còn bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; còn thiếu quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế tại đơn vị sự nghiệp công lập.

Nghị định số 55/2011/NĐ-CP chưa quy định về tổ chức pháp chế ở các Tổng cục và tương đương có mô hình tổ chức ngành dọc, do đó, các Tổng cục và tương đương chưa có đầu mối để triển khai công tác pháp chế ở địa phương, gây khó khăn trong việc triển khai nhiệm vụ được giao ở cơ sở, chưa đảm bảo mô hình pháp chế từ trung ương đến địa phương.

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP là cần thiết nhằm kịp thời tháo gỡ một số vướng mắc trong thực tiễn, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, tiêu chuẩn, chế độ ưu đãi cho người làm công tác pháp chế đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác pháp chế, yêu cầu thực tiễn công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật trong tình hình mới, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác pháp chế.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Minh Hiển

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,493

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]