Điều 54 của dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định: “1.
Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với
nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. 2. Các thành phần kinh tế đều
là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu
dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa (điều 54) là gì cần được xác định rõ.
Nếu không thể phân biệt thế nào là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa” với kinh tế thị trường phi định hướng xã hội chủ nghĩa thì chỉ cần ghi
“nền kinh tế thị trường” là đủ, tránh sự đối nghịch có thể xảy ra giữa hai vế
là “kinh tế thị trường” và “kinh tế kế hoạch hoá tập trung”, đồng thời tránh
mâu thuẫn với khoản 1, điều 55 “Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế,
bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường”.
Đối với khoản 2 điều 54 nói trên, ông Đức cho rằng từ “quan trọng” ở đây để
dành cho thành phần nào? Đã là “các thành phần kinh tế”, tức thừa nhận tất cả
các thành phần, thì mới đủ cấu thành nên nền kinh tế. Do đó, nếu khẳng định tất
cả đều là bộ phận quan trọng là sự mập mờ thừa, vì đã nói đến tất cả thì sẽ đều
quan trọng hoặc đều không quan trọng như nhau.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng trên thế giới đã và đang tồn tại ba mô hình của
trật tự kinh tế, đó là: kinh tế thị trường tự do (điển hình là nước Mỹ), kinh tế
thị trường xã hội (điển hình là nước Đức) và kinh tế kế hoạch và chỉ huy (có lẽ
điển hình là Bắc Triều Tiên và Cuba).
“Vậy, phải chăng Việt Nam đã và đang sáng tạo ra một “con đường thứ tư”: kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa?”, ông nêu câu hỏi.
Thông lệ của thế giới lấy hai khía cạnh để xem xét, đó là mục tiêu của Nhà nước
thông qua phát triển nền kinh tế và mối quan hệ của nó với thị trường. Như vậy,
khi khẳng định “định hướng xã hội chủ nghĩa” phải chăng chúng ta nhấn mạnh yếu
tố mục tiêu, tức bảo đảm sự công bình tương đối về xã hội và chế độ an sinh xã
hội phổ cập đối với người dân?
Điều này giống với mục tiêu của nền kinh tế thị trường xã hội của nước Đức, và
khác với nền kinh tế thị trường tự do của nước Mỹ khi Nhà nước không quản lý tập
trung quỹ bảo hiểm xã hội và có tới trên 40 triệu người dân không có bảo hiểm y
tế.
“Có nghĩa rằng, nếu cam kết theo đuổi mục tiêu này, Nhà nước phải đồng thời xác
định trách nhiệm thực hiện được hai mục tiêu xã hội nói trên, đồng thời khẳng định
trong Hiến pháp nguyên tắc nhà nước phải thực hiện phổ cập chế độ an sinh xã hội.
Điều này có là thực tế trong những năm qua và khả thi trong những năm sắp tới
không? Tôi e rằng không! Thậm chí, thực tiễn vừa qua đang đi ngược lại, ví dụ
như việc tăng phí bệnh viện và phí học đường đang trở thành gánh nặng cho người
nghèo chẳng hạn”, ông Lập nói.
Hậu quả của việc không xác định mô hình kinh tế và duy trì các mối quan hệ
không rõ ràng giữa Nhà nước và thị trường, theo ông, sẽ tạo nên tình thế “không
biết đằng nào mà lần” cho các doanh nghiệp, đồng thời biến họ thành các chủ thể
phụ thuộc ngày càng lớn hơn vào Nhà nước.
“Câu hỏi tại sao sau hơn hai mươi năm chuyển sang kinh tế thị trường mà cộng đồng
doanh nghiệp Việt Nam vẫn èo uột như vậy và chủ yếu lấy cơ chế xin-cho làm tôn
chỉ hành động, không tăng được năng lực cạnh tranh... phải chăng đã tìm được
câu trả lời từ chính sự mập mờ của khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa” này?”, ông Lập đặt vấn đề.
Mở rộng vấn đề, luật sư Vũ Xuân Tiền cho rằng cần đảm bảo sự thống nhất giữa thể
chế kinh tế và thể chế về đất đai. Trong khi điều 54 khẳng định: "Nền kinh
tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều
hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế", thì điều 57 quy định: "Đất
đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở
vùng biển, thềm lục địa , vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản
lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống
nhất quản lý theo quy định của pháp luật".
Quy định như vậy, theo ông Tiền, đã và sẽ còn sự thiếu nhất quán về thể chế
kinh tế và thể chế về đất đai. Khi chuyển nền kinh tế công hữu hóa tập trung
bao cấp sang nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, quan hệ về đất đai trong
xã hội đã thay đổi căn bản.
Thế nhưng Hiến pháp 1992 vẫn tiếp tục khẳng định chế độ sở hữu toàn dân về đất
đai như ghi trong Hiến pháp 1980. Như vậy thể chế đất đai đã không đồng nhất với
thể chế chung của nền kinh tế. Đó là nguyên nhân của những bất cập trong hệ thống
Luật Đất đai, tạo ra những mâu thuẫn lợi ích không thể dung hòa giữa người sở hữu
đất với người sử dụng đất.
“Từ những phân tích trên, xin đề nghị xoá bỏ hình thức sở hữu toàn dân về đất
đai, thay vào đó là quy định đất đai thuộc sở hữu Nhà nước, sở hữu của công dân
và sở hữu của pháp nhân”, ông Tiền nói.
Nghệ Nhân
Theo VnEconomy