Gỡ vướng mắc về quyền XNK của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại VN

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
06/11/2022 07:53 AM

Cho tôi hỏi hiện nay, quyền xuất nhập khẩu của thương nhân không có hiện diện tại Việt Nam được quy định thế nào? - Thanh Xuân (Bình Dương)

Gỡ vướng mắc về quyền XNK của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại VN

Gỡ vướng mắc về quyền XNK của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại VN (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 17/10/2022, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 4357/TCHQ-GSQL giải đáp vướng mắc quyền xuất khẩu, nhập khẩu của tổ chức, cá nhân không có hiện diện tại Việt Nam.

1. Quy định về thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam

Theo Công văn 4357/TCHQ-GSQL ngày 17/10/2022 của Tổng cục Hải quan, quy định về thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam như sau:

(1) Theo khoản 5 Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương 2017 thì thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam là thương nhân nước ngoài:

- Không có hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam theo các hình thức được quy định trong pháp luật về đầu tư, thương mại, doanh nghiệp;

- Không có văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về thương mại, doanh nghiệp.

(2) Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) tại chỗ của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại Điều 35 Nghị định 08/2015/NĐ-CP.

Theo đó, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ bao gồm:

- Hàng hóa đặt gia công tại Việt Nam và được tổ chức, cá nhân nước ngoài đặt gia công bán cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam;

- Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan;

- Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ theo quy định tại Điều 86 Thông tư 38/2015/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 39/2018/TT-BTC), cụ thể như sau:

- Trách nhiệm của người xuất khẩu:

+ Khai thông tin tờ khai hải quan xuất khẩu và khai vận chuyển kết hợp, trong đó ghi rõ vào ô “Điểm đích cho vận chuyển bảo thuế” là mã địa điểm của Chi cục Hải quan làm thủ tục hải quan nhập khẩu và ô tiêu chí “Số quản lý nội bộ của doanh nghiệp” trên tờ khai xuất khẩu phải khai như sau: #&XKTC hoặc tại ô “Ghi chép khác” trên tờ khai hải quan giấy;

+ Thực hiện thủ tục xuất khẩu hàng hóa theo quy định;

+ Thông báo việc đã hoàn thành thủ tục hải quan xuất khẩu để người nhập khẩu thực hiện thủ tục nhập khẩu và giao hàng hóa cho người nhập khẩu;

+ Tiếp nhận thông tin tờ khai nhập khẩu tại chỗ đã hoàn thành thủ tục hải quan từ người nhập khẩu tại chỗ để thực hiện các thủ tục tiếp theo.

- Trách nhiệm của người nhập khẩu:

+ Khai thông tin tờ khai hải quan nhập khẩu theo đúng thời hạn quy định trong đó ghi rõ số tờ khai hải quan xuất khẩu tại chỗ tương ứng tại ô “Số quản lý nội bộ doanh nghiệp” như sau: #&NKTC#& số tờ khai hải quan xuất khẩu tại chỗ tương ứng hoặc tại ô “Ghi chép khác” trên tờ khai hải quan giấy;

+ Thực hiện thủ tục nhập khẩu hàng hóa theo quy định;

+ Ngay sau khi hoàn thành thủ tục nhập khẩu tại chỗ thì thông báo việc đã hoàn thành thủ tục cho người xuất khẩu tại chỗ để thực hiện các thủ tục tiếp theo;

+ Chỉ được đưa hàng hóa vào sản xuất, tiêu thụ sau khi hàng hóa nhập khẩu đã được thông quan.

- Trách nhiệm của cơ quan hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu:

+ Thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu theo quy định tại Chương II Thông tư 39/2018/TT-BTC;

+ Theo dõi những tờ khai hải quan xuất khẩu tại chỗ đã hoàn thành thủ tục hải quan nhưng chưa thực hiện thủ tục nhập khẩu tại chỗ và thông báo cho Chi cục Hải quan nơi dự kiến làm thủ tục nhập khẩu để quản lý, theo dõi, đôn đốc người nhập khẩu tại chỗ thực hiện thủ tục hải quan.

- Trách nhiệm của cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu:

+ Tiếp nhận, kiểm tra theo kết quả phân luồng của Hệ thống. Trường hợp phải kiểm tra thực tế hàng hóa, nếu hàng hóa đã được kiểm tra thực tế tại Chi cục Hải quan xuất khẩu thì Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu không phải kiểm tra thực tế hàng hóa;

+ Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ theo chỉ định của thương nhân nước ngoài thì hàng tháng tổng hợp và lập danh sách các tờ khai hải quan nhập khẩu tại chỗ đã được thông quan theo mẫu số 01/TB-XNKTC/GSQL Phụ lục V ban hành kèm Thông tư 39/2018/TT-BTC gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp tổ chức, cá nhân nhập khẩu tại chỗ;

+ Phối hợp với Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu để đôn đốc người nhập khẩu tại chỗ hoàn thành thủ tục hải quan.

(3) Căn cứ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan 2014 thì người khai hải quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình. 

Do vậy, doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại chỗ (người khai hải quan) phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác định thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam.

2. Quyền XNK của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam

Điều 4 Nghị định 90/2007/NĐ-CP quy định về quyền XNK của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam như sau:

- Thực hiện các quyền XNK của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu đối với các loại hàng hoá được phép xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo lộ trình cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam. 

- Thực hiện mua hàng hóa để xuất khẩu và bán hàng hoá nhập khẩu với thương nhân Việt Nam có đăng ký kinh doanh các loại hàng hoá đó theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

Văn Trọng

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 15,959

Bài viết về

lĩnh vực Xuất nhập khẩu

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]