Thủ tục giám định tổn thương cơ thể

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
01/12/2022 15:49 PM

Xin hỏi là đối với người bị tổn thương cơ thể thì thủ tục giám định tổn thương cơ thể được quy định thế nào? - Ngọc Khanh (TP.HCM)

Thủ tục giám định tổn thương cơ thể

Bộ Y tế ban hành Thông tư 13/2022/TT-BYT ngày 30/11/2022 về quy trình, biểu mẫu giám định pháp y, thời hạn, nhân lực thực hiện giám định pháp y.

Theo đó, thủ tục giám định tổn thương cơ thể của người sống quy định như sau:

1. Hồ sơ giám định tổn thương cơ thể

*Hồ sơ gửi giám định gồm:

(1) Quyết định trưng cầu/yêu cầu giám định.

(2) Bản sao hợp pháp các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến nội dung cần giám định:

- Các bản sao hồ sơ y tế có liên quan đến thương tích cần giám định nếu người được giám định có khám, điều trị tại cơ sở y tế.

- Quyết định trưng cầu/yêu cầu giám định, kết luận giám định trước đó đối với trường hợp giám định bổ sung, giám định lại. 

- Biên bản xem xét dấu vết thân thể (nếu có).

- Biên bản ghi lời khai của bị hại, nghi can, nhân chứng (nếu cần).

- Các tài liệu khác có liên quan đến nội dung cần giám định: ảnh chụp thương tích, ảnh chụp hiện trường,... (nếu có).

(3) Mẫu vật giám định (nếu có).

2. Thủ tục giám định tổn thương cơ thể

Tại Mục III Quy trình 2 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 13/2022/TT-BYT quy định về thủ tục Tiếp nhận quyết định trưng cầu/yêu cầu, hồ sơ và đối tượng giám định như sau:

Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ, phân công người giám định và chuẩn bị giám định

Bộ phận được phân công tiếp nhận và lập biên bản giao nhận quyết định trưng cầu/yêu cầu, hồ sơ giám định, đối tượng giám định, mẫu vật giám định (nếu có).

*Nếu đủ điều kiện giám định, thực hiện các bước tiếp theo của quy trình này.

*Từ chối giám định trong trường hợp không đủ điều kiện giám định theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Bước 2: Phân công cán bộ chuyên môn

- Lãnh đạo đơn vị phân công giám định viên (GĐV) pháp y, người giúp việc (NGV) cho GĐV pháp y thực hiện giám định.

- Nhiệm vụ của giám định viên (GĐV:

+ Nghiên cứu hồ sơ, tài liệu.

+ Chỉ đạo NGV chuẩn bị dụng cụ, trang thiết bị để giám định.

+ Chỉ đạo và hướng dẫn NGV trình tự giám định.

+ Làm việc với cán bộ cơ quan trưng cầu/người yêu cầu giám định.

+ Tiếp xúc với người được giám định.

+ Khám giám định.

+ Chỉ định khám chuyên khoa, cận lâm sàng.

+ Đề nghị và chuẩn bị tổ chức hội chẩn chuyên môn, xin ý kiến chuyên gia (nếu cần).

+ Tổng hợp, đánh giá các kết quả lâm sàng, cận lâm sàng, khám chuyên khoa, hội chẩn,... đưa ra kết luận giám định.

+ Hoàn thiện văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định và kết luận giám định.

+ Giải quyết những phát sinh trong quá trình giám định, báo cáo kết quả với lãnh đạo cơ quan.

+ Trong quá trình giám định, các GĐV phối hợp, thảo luận, thống nhất trước khi kết luận giám định.

- Nhiệm vụ của người giúp việc (NGV):

+ Chuẩn bị trang thiết bị, dụng cụ, vật tư, phương tiện phòng hộ,...

+ Hướng dẫn người được giám định phối hợp trong giám định.

+ Đo chiều cao, cân nặng, mạch, nhiệt độ, huyết áp,...

+ Chụp ảnh trong quá trình giám định.

+ Vệ sinh dụng cụ, thiết bị, phương tiện.

+ Tập hợp các kết quả cận lâm sàng, khám chuyên khoa, hội chẩn,...

+ Phụ giúp GĐV dự thảo văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định và kết luận giám định, hoàn thiện bản ảnh giám định trình GĐV duyệt.

+ Hoàn thiện hồ sơ giám định.

+ Bàn giao mẫu vật sau khi hoàn thành giám định.

+ Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của GĐV.

Bước 3: Nghiên cứu hồ sơ, tài liệu

GĐV nghiên cứu hồ sơ, tài liệu trước khi tiến hành khám giám định.

Bước 4: Làm việc với cán bộ cơ quan trưng cầu/người yêu cầu giám định

- Tiếp nhận người được giám định từ cơ quan trưng cầu/người yêu cầu giám định.

- Yêu cầu cán bộ cơ quan trưng cầu/người yêu cầu giám định:

+ Phối hợp, bổ sung hồ sơ, tài liệu nếu cần thiết.

+ Đưa người được giám định đi khám chuyên khoa, làm các cận lâm sàng khi có chỉ định, lấy kết quả giao cho cơ quan giám định.

+ Bảo đảm an toàn cho người giám định và người được giám định.

+ Yêu cầu bố trí người phiên dịch trong trường hợp người được giám định nói tiếng dân tộc, nói tiếng nước ngoài hoặc là người câm điếc (nếu cần).

+ Yêu cầu có người giám hộ trong trường hợp người được giám định phải có người giám hộ theo quy định.

Bước 5: Tiếp xúc với người được giám định

- Đối chiếu giấy tờ của người được giám định (chứng minh nhân dân/căn cước công dân, hộ chiếu,...).

- Giải thích cho người được giám định về quy trình khám trước khi tiến hành giám định.

- Đề nghị người được giám định phối hợp trong quá trình giám định.

Bước 6: Tiến hành giám định tổn thương cơ thể

Thực hiện phương pháp giám định tổn thương cơ thể của người sống theo Mục 3

Bước 7: Hoàn thành giám định

- Hoàn thành và ký kết luận giám định

+ Hoàn thiện văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định (Mẫu số 01 Phụ lục 2).

+ Hoàn thiện kết luận giám định (Mẫu số 1a hoặc 1b Phụ lục 3).

+ GĐV ký kết luận giám định trước khi trình lãnh đạo đơn vị ký ban hành.

- Bàn giao kết luận giám định

Bàn giao Kết luận giám định, kèm theo mẫu vật (nếu có) cho bộ phận được thủ trưởng đơn vị phân công.

3. Phương pháp giám định tổn thương cơ thể

Tại Mục Iv Quy trình 2 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 13/2022/TT-BYT  quy định về phương pháp giám định như sau:

3.1. Khám giám định tổn thương cơ thể

*Khám tổng quát

- Khai thác thông tin về tình hình sự việc, tiền sử thương tích, bệnh tật,...

- Đánh giá tình trạng tinh thần (tỉnh táo, tiếp xúc tốt, mệt mỏi, hoảng loạn,…).

- Đánh giá thể trạng (béo, trung bình, gầy, suy kiệt,…).

- Đo chiều cao, cân nặng.

- Đo mạch, huyết áp, thân nhiệt, nhịp thở.

- Quan sát đánh giá da, niêm mạc.

- Ghi nhận dấu hiệu bất thường, bệnh lý liên quan (nếu có).

*Khám thương tích

- Khám đánh giá thương tích theo nội dung yêu cầu giám định tại Quyết định trưng cầu/yêu cầu giám định, đối chiếu với hồ sơ, tài liệu.

- Khám tuần tự tổn thương thực thể, từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới, từ trước ra sau, đánh giá chức năng của bộ phận, tổ chức cơ thể bị tổn thương.

- Mô tả vị trí giải phẫu, kích thước, đặc điểm, tính chất từng tổn thương.

*Khám bộ phận

Khám các bộ phận khác có liên quan theo phân khu giải phẫu và chức năng cơ thể.

3.2. Chỉ định khám chuyên khoa, cận lâm sàng

Tùy từng trường hợp, GĐV ra chỉ định khám chuyên khoa và các cận lâm sàng cần thiết.

3.3 Hội chẩn, xin ý kiến chuyên gia

Tiến hành hội chẩn, xin ý kiến chuyên gia trong trường hợp cần thiết.

3.4. Nghiên cứu mẫu vật, thực nghiệm

Trường hợp cơ quan trưng cầu/yêu cầu giám định cung cấp mẫu vật thì GĐV nghiên cứu, giám định mẫu vật theo quy trình giám định vật gây thương tích (Quy trình 11, mục IV). Trường hợp cần thiết GĐV báo cáo lãnh đạo đơn vị để tiến hành thực nghiệm.

3.5. Tổng hợp, đánh giá kết quả và kết luận giám định

*Tổng hợp các kết quả chính

- Tổng hợp, đánh giá kết quả khám giám định, khám chuyên khoa, cận lâm sàng.

- Tổng hợp kết quả hội chẩn, ý kiến chuyên gia (nếu có).

- Tổng hợp, đánh giá kết quả giám định mẫu vật, kết quả thực nghiệm (nếu có).

- Kết quả khác (nếu có).

*Kết luận

Kết luận giám định căn cứ vào các kết quả chính qua giám định, trả lời nội dung các câu hỏi theo quyết định trưng cầu/yêu cầu giám định.

Thông tư 13/2022/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/03/2023 thay thế Thông tư 47/2013/TT-BYT.

>>> Xem thêm: Thời hạn giám định nguyên nhân chết người là bao lâu? Ai là người có quyền yêu cầu giám định trong tố tụng hình sự?

Ngọc Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,610

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]