Hồ sơ bệnh án là gì? 04 điều cần biết về hồ sơ bệnh án

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
11/11/2022 15:57 PM

Hồ sơ bệnh án là gì? Hiện nay, việc khai thác hồ sơ bệnh án được quy định thế nào? - Thanh Hào (Long An)

Hồ sơ bệnh án là gì? 04 điều cần biết về hồ sơ bệnh án

Hồ sơ bệnh án là gì? 04 điều cần biết về hồ sơ bệnh án

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hồ sơ bệnh án là gì?

Theo khoản 1 Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, hồ sơ bệnh án là tài liệu y học, y tế và pháp lý.

Mỗi người bệnh chỉ có một hồ sơ bệnh án trong mỗi lần khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2. Quy định về lập hồ sơ bệnh án

Khoản 2 Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định người bệnh điều trị nội trú và ngoại trú trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều phải được lập hồ sơ bệnh án.

- Hồ sơ bệnh án được lập bằng giấy hoặc bản điện tử và phải được ghi rõ, đầy đủ các mục có trong hồ sơ bệnh án.

Tại Điều 2 Thông tư 46/2018/TT-BYT, hồ sơ bệnh án điện tử được lập, cập nhật, hiển thị, ký số, lưu trữ bằng phương tiện điện tử đáp ứng các quy định của Thông tư 46/2018/TT-BYT thì có giá trị pháp lý như hồ sơ bệnh án giấy.

- Hồ sơ bệnh án bao gồm các tài liệu, thông tin liên quan đến người bệnh và quá trình khám bệnh, chữa bệnh.

3. Lưu trữ hồ sơ bệnh án

Việc lưu trữ hồ sơ bệnh án được quy định tại khoản 3 Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 như sau:

- Hồ sơ bệnh án được lưu trữ theo các cấp độ mật của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

- Thời gian lưu trữ hồ sơ bệnh án:

+ Hồ sơ bệnh án nội trú, ngoại trú được lưu trữ ít nhất 10 năm;

+ Hồ sơ bệnh án tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt được lưu trữ ít nhất 15 năm;

+ Hồ sơ bệnh án đối với người bệnh tâm thần, người bệnh tử vong được lưu trữ ít nhất 20 năm.

- Trường hợp lưu trữ hồ sơ bệnh án bằng bản điện tử, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có bản sao dự phòng và thực hiện chế độ lưu trữ theo các cấp độ mật của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và thời gian lưu trữ hồ sơ bệnh án nêu trên.

4. Khai thác hồ sơ bệnh án

Căn cứ khoản 4 Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định việc cho phép khai thác hồ sơ bệnh án trong các trường hợp sau:

- Sinh viên thực tập, nghiên cứu viên, người hành nghề trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được mượn hồ sơ bệnh án tại chỗ để đọc hoặc sao chép phục vụ cho việc nghiên cứu hoặc công tác chuyên môn kỹ thuật;

- Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về y tế trực tiếp quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, thanh tra chuyên ngành y tế, cơ quan bảo hiểm, tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, luật sư được mượn hồ sơ bệnh án tại chỗ để đọc hoặc sao chép phục vụ nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền cho phép;

- Người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh được nhận bản tóm tắt hồ sơ bệnh án theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009. Theo đó, người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh được cung cấp thông tin tóm tắt về hồ sơ bệnh án nếu có yêu cầu bằng văn bản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Các đối tượng được phép khai thác hồ sơ bệnh án trên khi sử dụng thông tin trong hồ sơ bệnh án phải giữ bí mật và chỉ được sử dụng đúng mục đích như đã đề nghị với người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

(Khoản 5 Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009)

>>> Xem thêm: Việc lưu trữ hồ sơ bệnh án được thực hiện như thế nào? Có được công bố hồ sơ bệnh án của bệnh nhân không?

Hồ sơ bệnh án có được bàn giao cho bệnh nhân khi bệnh nhân có yêu cầu không? Hồ sơ bệnh án được lập như thế nào?

Hành vi tiết lộ hồ sơ bệnh án khi chưa được sự đồng ý của bệnh nhân sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?

Văn Trọng

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 41,268

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]