Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, kể từ khi Bộ luật Lao động có hiệu lực thi hành (từ năm 1995 đến hết năm 2012), cả nước xảy ra 4.922 cuộc đình công, trong đó: doanh nghiệp nhà nước xảy ra 100 vụ; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xảy ra hơn 3.500 vụ; doanh nghiệp tư nhân xảy ra gần 1.300 vụ.
Nếu tính riêng 5 năm từ năm 2008 đến 2012, cả nước xảy ra hơn 3.000 cuộc tranh chấp cụ thể và đình công trên địa bàn 29 tỉnh, thành phố. Năm 2011 xảy ra nhiều vụ đình công nhất với gần 1.000 vụ. Đình công chủ yếu xảy ra ở các tỉnh, thành phố trọng điểm phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai là những nơi tập trung nhiều công nhân lao động.
Trong những năm 2008 - 2010, thời điểm xảy ra đình công tập trung chủ yếu vào những tháng đầu năm (thời điểm trước và sau Tết âm lịch) với những yêu cầu về tiền thưởng Tết, thanh toán tiền phép năm.
Hầu hết các cuộc đình công đều tự phát, không do công đoàn cơ sở tổ chức, lãnh đạo, không theo đúng trình tự pháp luật quy định, có xu hướng lây lan từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác. Các cuộc đình công xảy ra nhiều nhất ở các doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến thủy sản, chế biến gỗ, lắp ráp điện tử, thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông, là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Trong những năm 2008 – 2010, các cuộc đình công chủ yếu là về quyền thì trong năm 2011 – 2012, các cuộc đình công về lợi ích diễn ra nhiều hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do suy thoái kinh tế dẫn đến tình trạng doanh nghiệp khó khăn, thiếu việc làm. Tình trạng lạm phát tăng cao khiến tiền lương người lao động dù có tăng nhưng không theo kịp giá thị trường, không đảm bảo được cuộc sống của người lao động. Do vậy, nguyên nhân chủ yếu của các cuộc đình công trong năm 2008 – 2012 là người lao động yêu cầu tăng lương, tiền thưởng, phụ cấp, tăng tiền ăn trưa, tăng các chế độ phúc lợi.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khách như doanh nghiệp yêu cầu người lao động làm thêm giờ quá quy định, tăng ca liên tục, điều kiện lao động không đảm bảo, chất lượng bữa ăn trưa kém, doanh nghiệp né tránh đóng BHXH, BHYT cho người lao động, doanh nghiệp không ký hợp đồng với người lao động…. Sự quản lý hà khắc và đối xử thô bạo của người sử dụng lao động đối với người lao động cũng là một nguyên nhân dẫn đến đình công.
Hầu hết các cuộc tranh chấp lao động tập thể, đình công đều được hòa giải tại cơ sở, tại khu chế xuất, khu công nghiệp. Hội đồng trọng tài lao động ở các tỉnh, thành phố kể từ khi thành lập từ năm 1999 đến nay chỉ thụ lý giải quyết được một số ít vụ tranh chấp lao động tập thể và lợi ích. Riêng vụ đình công năm 2002 tại công ty Pouchen (TP.HCM) của gần 50.000 lao động đã gây hiệu ứng lớn và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định khẩn cấp về điều chỉnh tiền lương.
Trên thực tế chưa có vụ khởi kiện nào yêu cầu xét tính hợp pháp của đình công tới tòa lao động của các cấp công đoàn, vì 100% các vụ đình công đều không do công đoàn khởi xướng và lãnh đạo đình công. Có một vụ tranh chấp lao động tập thể duy nhất của Liên đoàn lao động thị xã Long Khánh (Đồng Nai) khởi kiện công ty Hanul Line về chế độ bảo hiểm xã hội với tư cách là nguyên đơn khởi kiện tranh chấp lao động tập thể.
Quốc Anh