Tăng trách nhiệm của thuyền trưởng trên phương tiện thủy nội địa

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Võ Ngọc Nhi
13/12/2022 14:40 PM

Xin hỏi là đối với trách nhiệm của thuyền trưởng trên phương tiện thủy nội địa có thay đổi gì không? - Văn Phúc (Trà Vinh)

Tăng trách nhiệm của thuyền trưởng trên phương tiện thủy nội địa

Tăng trách nhiệm của thuyền trưởng trên phương tiện thủy nội địa (Hình từ Internet)

Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải ban hành Thông tư 33/2022/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 39/2019/TT-BGTVT quy định trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa.

Theo đó, trách nhiệm của thuyền trưởng trên phương tiện thủy nội địa được quy định như sau:

1. Thuyền trưởng là gì?

Tại Điều 52 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 quy định về địa vị pháp lý của thuyền trưởng như sau:

- Thuyền trưởng là người có quyền chỉ huy cao nhất ở trên tàu biển, chỉ huy tàu theo chế độ thủ trưởng.

Mọi người có mặt trên tàu biển phải chấp hành mệnh lệnh của thuyền trưởng.

- Thuyền trưởng chịu sự chỉ đạo của chủ tàu hoặc người thuê tàu, người khai thác tàu;

Trường hợp cần thiết để bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường trong khi vận hành tàu, thuyền trưởng có thể tự mình quyết định nhưng sau đó phải báo cáo với chủ tàu hoặc người thuê tàu, người khai thác tàu

2. Trách nhiệm của thuyền trưởng trên phương tiện thủy nội địa

Căn cứ Điều 6 Thông tư 39/2019/TT-BGTVT sửa đổi bởi Thông tư 33/2022/TT-BGTVT quy định về thuyền trưởng trên phương tiện thủy nội địa như sau:

(1) Quản lý, bảo đảm an toàn về người, phương tiện và tài sản trên phương tiện; nắm vững tình trạng kỹ thuật, thời hạn hoạt động và chu kỳ sửa chữa của phương tiện.

Đối với thuyền trưởng phương tiện mang cấp VR-SB, phải lập phương án tập luyện về cứu sinh, cứu hỏa, cứu thủng và tổ chức huấn luyện, hướng dẫn việc sử dụng thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, cứu thủng cho thuyền viên mới ngay khi xuống phương tiện; mỗi quý, tổ chức tập luyện về cứu sinh, cứu hỏa, cứu thủng phương tiện ít nhất một lần cho thuyền viên. (Nội dung mới bổ sung)

(2) Quản lý sổ nhật ký hành trình, danh bạ thuyền viên, danh sách hành khách (nếu có) và sổ sách, giấy tờ cần thiết khác của phương tiện, tổ chức việc ghi chép và thường xuyên kiểm tra việc ghi chép sổ sách. Hàng ngày phải ký xác nhận nội dung nhật ký hành trình theo quy định

(So với Thông tư 39/2019/TT-BGTVT, bổ sung thêm việc hàng ngày phải ký xác nhận nội dung nhật ký hành trình theo quy định)

(3) Tổ chức giao nhận hàng hóa, phục vụ hành khách theo lệnh điều động hoặc hợp đồng vận chuyển và các quy định hiện hành.

(4) Tổ chức phân công, giám sát, đôn đốc thuyền viên hoàn thành nhiệm vụ. Trường hợp phương tiện có nhiều hơn một thuyền phó, trách nhiệm của từng thuyền phó do thuyền trưởng phân công cụ thể.

(So với Thông tư 39/2019/TT-BGTVT, bổ sung trách nhiệm phân công trách nhiệm thuyền phó trong trường hợp phương tiện có nhiều hơn một thuyền phó)

(5) Chỉ được đón, trả khách, xếp dỡ hàng hóa ở những nơi đã quy định, trừ trường hợp gặp nạn hoặc bất khả kháng.

(6) Trong trường hợp phương tiện có nguy cơ bị chìm đắm hoặc bị phá huỷ thuyền trưởng phải tận dụng mọi khả năng cho phép để trước hết tổ chức cứu hành khách và sau đó cứu thuyền viên.

Thuyền trưởng phải là người cuối cùng rời phương tiện sau khi đã tìm mọi cách cứu sổ nhật ký hành trình, nhật ký máy và các tài liệu quan trọng khác của phương tiện. Khi phương tiện có người rơi xuống nước, phải kịp thời áp dụng các biện pháp có hiệu quả để tìm, cứu người bị nạn, đồng thời thông báo cho cơ quan tìm kiếm, cứu nạn hoặc chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn.

Nếu phương tiện hoạt động trên biển, phải thông báo cho Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải hoặc Đài Thông tin duyên hải hoặc Cảng vụ hàng hải nơi gần nhất, thông báo cho phương tiện, tàu thuyền khác đang hành trình gần khu vực đó tìm kiếm, cứu nạn;

Chỉ được phép cho phương tiện rời khỏi khu vực có người rơi xuống nước sau khi đã cố gắng tìm kiếm nhưng xét thấy không còn hy vọng, trừ trường hợp gây nguy hiểm cho phương tiện và những người khác trên phương tiện.

Thời gian và các biện pháp đã tiến hành tìm cứu phải được ghi vào nhật ký hành trình.

(Tại Thông tư 39/2019/TT-BGTVT, quy định khi phương tiện bị tai nạn, phải thực hiện mọi biện pháp cấp cứu có hiệu quả nhất; nếu phương tiện bị chìm đắm, thuyền trưởng phải là người cuối cùng rời phương tiện sau khi đã thi hành mọi biện pháp cứu người, tài sản, hàng hóa và các giấy tờ cần thiết của phương tiện, trừ trường hợp phương tiện chìm hẳn)

(7) Khi nhận được tín hiệu cấp cứu hoặc khi được cơ quan có thẩm quyền huy động tham gia tìm kiếm, cứu nạn, phải chấp hành lệnh điều động, tổ chức tham gia cứu nạn nếu việc làm này không gây nguy hiểm đối với thuyền viên, hành khách và phương tiện do mình chỉ huy.

(8) Phương tiện đang hoạt động nếu có trường hợp sinh đẻ, tử vong hoặc ốm đau, tai nạn, thuyền trưởng phải có trách nhiệm giải quyết theo quy định như sau:

- Khi có người ốm đau, tai nạn, phải tổ chức sơ cứu cho nạn nhân, nếu nghiêm trọng phải kịp thời đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất;

- Khi có người sinh đẻ hoặc tử vong, phải lập biên bản với sự tham gia của 02 (hai) nhân chứng. Biên bản sinh con phải thể hiện rõ nội dung thời gian sinh, giới tính và tình trạng sức khỏe của bà mẹ và trẻ em. Biên bản tử vong phải ghi rõ những tài sản, giấy tờ kèm theo của người chết; phải quản lý biên bản và tài sản đó để giao lại cho chính quyền địa phương và thân nhân người chết.

(9) Khi rời phương tiện, phải trực tiếp bàn giao nhiệm vụ cho thuyền phó hoặc người được ủy quyền; trường hợp vắng mặt từ một ca làm việc trở lên, phải bàn giao bằng văn bản; nếu không thể tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ, phải giao quyền chỉ huy cho thuyền phó đồng thời phải báo cáo ngay cho chủ phương tiện.

(10) Trường hợp chuyển giao nhiệm vụ cho người khác theo yêu cầu của chủ phương tiện, phải lập biên bản nêu rõ hiện trạng thuyền viên, trạng thái kỹ thuật phương tiện, trang thiết bị, tài sản, số hành khách, sổ sách, giấy tờ, tài liệu có liên quan của phương tiện. Biên bản bàn giao mỗi bên giữ một bản, gửi chủ phương tiện một bản.

(11) Tổ chức phân công, thực hiện kê khai các nội dung theo yêu cầu và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền khi phương tiện chuẩn bị cập, rời cảng, bến.

Trước khi khởi hành, phải có bảng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng chức danh trên phương tiện.

Trước giờ rời cảng, bến phải kiểm tra, đôn đốc các bộ phận thuyền viên có liên quan chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên, vật liệu, lương thực, thực phẩm, thuốc men phục vụ chuyến đi;

Chỉ rời cảng, bến khi phương tiện bảo đảm an toàn, chuẩn bị đầy đủ cho chuyến đi và được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến thời tiết trong khu vực mà phương tiện sẽ đi qua. (Nội dung mới bổ sung)

(12) Trực tiếp phụ trách một ca làm việc, trực tiếp điều khiển phương tiện qua những khu vực nguy hiểm; ngoài giờ đi ca, nếu thuyền phó hoặc máy trưởng đề nghị hoặc khi xảy ra sự cố, tình huống khẩn cấp, sự việc bất thường, thuyền trưởng phải có mặt ở vị trí chỉ huy để kịp thời giải quyết công việc.

(So với Thông tư 39/2019/TT-BGTVT, bổ sung trường hợp xảy ra sự cố, tình huống khẩn cấp, sự việc bất thường, thuyền trưởng phải có mặt ở vị trí chỉ huy để kịp thời giải quyết công việc)

Thông tư 33/2022/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/2/2023.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,861

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]