Đó là vào năm 2005, khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lần đầu công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Khi đó, nhiều địa phương không hợp tác và cũng chẳng quan tâm đến những chỉ số - mà giờ đây, đã trở thành một "hàn thử biểu" về môi trường kinh doanh tại các địa phương và luôn làm đau đầu lãnh đạo nhiều tỉnh thành.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Provincial Competitiveness Index, viết tắt là PCI) là chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam. PCI ra đời và phát triển từ ý tưởng và phương pháp của nhóm chuyên gia VCCI và dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (VNCI) - một dự án do Cơ quan Viện trợ Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Đại diện 7 tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất và cải thiện nhất năm 2012 tại lễ công bố năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2012 (ảnh PCI) |
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI thì PCI không có mô hình sẵn, chưa có tiền lệ, cũng không ai giao cho VCCI phải làm. “Đây hoàn toàn do chúng tôi tự sáng tạo và tự làm” - ông Lộc nói.
Năm đầu tiên, PCI được thực hiện tại 42 tỉnh, thành phố của Việt Nam và từ 2006 đến nay triển khai trên cả 63 tỉnh, thành toàn quốc.
Kể về những câu chuyện quanh chỉ số PCI, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhớ lại, lần đầu tiên khi công bố, có lãnh đạo tỉnh còn gọi điện cho ông chất vấn tại sao lại để cho "chúng nó đánh giá về bọn tao"! Nhiều địa phương thì tỏ rõ thái độ không quan tâm, “tùy, muốn xếp hạng thế nào cũng được”.
Khi thực hiện xếp hạng PCI, các doanh nghiệp được mời khảo sát sẽ chấm điểm tỉnh mà họ đang hoạt động trên 9 tiêu chí, bao gồm: chi phí gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước; chi phí không chính thức; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động và thiết chế pháp lý. |
Tuy nhiên, đến nay thì mọi chuyện đã khác. PCI đã trở thành “tiếng nói” quan trọng của cộng đồng DN về môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam, dù muốn hay không, lãnh đạo các địa phương cũng không thể làm ngơ được.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Ban Pháp chế VCCI cũng kể rằng, mới đầu, nhiều địa phương không muốn công bố chỉ số này, không hợp tác, thậm chí là phản đối mạnh mẽ. Có địa phương đã làm hẳn công văn gửi Chính phủ đề nghị không cho VCCI xếp hạng chỉ số PCI các tỉnh, thành vì nó rất nhạy cảm. Có địa phương ở Tây Nguyên thì đề nghị xin được rút khỏi bảng xếp hạng vì cho rằng tỉnh mình còn nghèo, lạc hậu, như vậy luôn phải xếp ở vị trí thấp sẽ rất xấu hổ...
Mỗi địa phương có thái độ, cách ứng xử với chỉ số PCI khác nhau, ông Tuấn cho hay. Chẳng hạn, lãnh đạo một tỉnh miền Trung 3 năm liền không thèm quan tâm đến chỉ số PCI của địa phương mình. Nhưng, sau khi tiếp nhiều đoàn DN nước ngoài đến làm việc, tìm hiểu môi trường đầu tư, thấy dù đến từ nhiều quốc gia khác nhau nhưng họ đều đưa chỉ số PCI của địa phương ra chất vấn, lúc đó lãnh đạo tỉnh mới tá hỏa, yêu cầu các sở, ban, ngành tìm hiểu xem PCI là cái gì, đánh giá xếp hạng ra sao... Sau khi nhận ra những hạn chế được chỉ ra đã ngay lập tức bắt tay vào cải cách, đổi mới để thu hút đầu tư, tránh tình trạng DN đi không bao giờ trở lại nữa.
Chính những tác động từ DN đã làm cho lãnh đạo nhiều địa phương chuyển biến, thay đổi đáng kể, ông Tuấn nói. Có giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư của một tỉnh trung du đã bị "trảm" do để PCI thấp, rồi cả tỉnh bắt tay vào "đẩy" PCI lên và đến nay thì PCI đã thăng hạng liên tục. Thậm chí, một số hiệp hội tại tỉnh này còn cho biết, trước kia có họp hay hội thảo, mời lãnh đạo tỉnh chẳng ai đến, nhưng sau khi PCI chỉ ra vai trò quan trọng của các hiệp hội trong việc hỗ trợ DN thì lần họp nào mời lãnh đạo tỉnh cũng đến dự và ghi chép cẩn thận.
Chuyện mới nhất đây
là Hà Nội, từ vị trí 34 của năm 2011 đã "rơi" một mạch xuống thứ 51
trong bảng xếp hạng năm 2012, ngay lập tức, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hẳn một
cuộc giao ban với lãnh đạo các sở, ban, ngành và 29 quận, huyện, thị xã về đề
tài tụt hạng PCI. Cơ quan đầu mối thường trực về vấn đề này là Sở Kế hoạch Đầu
tư đã bị phê bình, nhiều sở, ngành khác cũng bị nhắc nhở.
Một đại gia hay chơi golf với các quan chức Hà Nội cho biết, mấy tuần nay thấy các "bác" Hà Nội vắng bóng hẳn ở sân golf. Tìm hiểu ra mới rõ, thành phố đang siết lại kỷ cương, thanh tra, kiểm tra, giám sát... để xử lý chuyện PCI "tụt", vì thế chẳng có thời gian để mà ra sân.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, ngay cả địa phương trước kia xin không tham gia bảng xếp hạng PCI nay cũng đã có cách nhìn đổi khác. Cụ thể, để cải thiện chỉ số PCI, tỉnh này đã hợp tác với VCCI xây dựng hẳn một đề án cho giai đoạn 2012-2015, tập trung vào việc tạo môi trường sản xuất, kinh doanh, đầu tư thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoạt động, phấn đấu cải thiện các chỉ số thành phần, nâng chỉ số PCI mỗi năm tăng ít nhất 3-4 bậc.
Tuy nhiên, cũng không ít địa phương lại không muốn làm như vậy, thay vào đó họ gọi điện xin xỏ cho vị trí xếp hạng cao để lấy thành tích, ông Lộc cho biết.
Theo ông Lộc, qua 8 năm thực hiện, PCI đã khẳng định không chỉ là một bảng xếp hạng đơn thuần, mà đang dần trở thành "tấm gương" tự soi mình và góp phần tạo động lực cải cách đối với lãnh đạo nhiều chính quyền địa phương; là thước đo về mức độ thực thi và hiệu quả của nhiều chính sách của Chính phủ; là kênh thông tin tin cậy và khách quan đối với nhà đầu tư và DN; là nguồn thông tin hữu ích cho các chương trình hỗ trợ của nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế.
Hiện đã có hơn 40 tỉnh, thành phố tại Việt Nam ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, chương trình hành động để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương từ thông tin của PCI. Mô hình, phương pháp PCI của Việt Nam cũng đã được nhiều quốc gia, nhà tài trợ khác trên thế giới áp dụng và nhân rộng.
Thời gian tới, PCI sẽ
hướng vào việc nâng cao năng lực điều hành và cải cách hành chính ở các địa
phương để giúp chính quyền địa phương phục vụ người dân tốt hơn, ông Lộc cho biết.
Ngày 27/4/1963 đã đi vào lịch sử nền kinh tế và cộng đồng DN, là ngày thành lập Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Theo ông Vũ Tiến Lộc, sau chặng đường 50 năm phát triển, VCCI đã có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế, của cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân Việt Nam. 3 đóng góp lớn nhất của VCCI phải kể đến là thiết lập cơ chế đối thoại giữa Chính phủ với DN hiệu quả; xây dựng và công bố chỉ số PCI có tác động lớn đến cải cách môi trường kinh doanh tại các địa phương; xây dựng một mạng lưới hỗ trợ sâu rộng các DN nhỏ và vừa trên toàn quốc. Hiện nay VCCI trở thành tổ chức quốc gia có chức năng đại diện để bảo vệ quyền lợi và xúc tiến hỗ trợ cho cộng đồng DN Việt Nam. |