Dự thảo |
Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh (Hình từ internet)
Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định… số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.
Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (áp dụng từ 01/01/2009) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 (áp dụng từ 01/7/2013) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.
Đồng thời bổ sung quy định: Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Ngày 02/6/2020 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020).
Theo đó, nâng mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế TNCN.
Với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì cũng chưa phải nộp thuế TNCN.
Cá nhân có thu nhập dưới 120 triệu đồng/tháng, theo hiện hành số thuế TNCN phải nộp so với thu nhập cũng chưa đến 20%, cụ thể:
+ Cá nhân có thu nhập 40 triệu đồng/tháng thì số thuế TNCN phải nộp là 6,56%/thu nhập;
+ Thu nhập 60 triệu đồng/tháng thì số thuế TNCN phải nộp là 11,74%/thu nhập;
+ Thu nhập 80 triệu đồng/tháng thì số thuế TNCN phải nộp là 15,55%/thu nhập;
+ Thu nhập 100 triệu đồng/tháng thì số thuế TNCN phải nộp là 18,44%/thu nhập.
Đối với cá nhân có thu nhập ở mức cao trên 120 triệu đồng thì số thuế TNCN phải nộp mới ở tỷ lệ cao hơn 20%/thu nhập, cụ thể: cá nhân có thu nhập 120 triệu đồng/tháng thì số thuế TNCN phải nộp là 21,2%/thu nhập; thu nhập 150 triệu đồng/tháng thì số thuế TNCN phải nộp là 23,96%/thu nhập...
(Việc tính toán này với giả định cá nhân có 1 người phụ thuộc, trường hợp cá nhân có nhiều hơn 1 người phụ thuộc thì số thuế phải nộp cũng thấp hơn tương ứng).
Tại dự thảo Tờ trình Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 có nêu:
Theo Quyết định 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021, Luật thuế TNCN (sửa đổi) dự kiến xem xét đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội trong giai đoạn 2023-2025.
Nếu dự kiến đến 2026, Luật thuế TNCN sửa đổi có hiệu lực thi hành thì cũng có thể nghiên cứu sửa đổi nâng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn tới.
Việc điều chỉnh mức mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và cho mỗi người phụ thuộc sẽ phản ánh kịp thời những sự thay đổi về chi phí sinh hoạt của người nộp thuế tại thời điểm Luật thuế TNCN (sửa đổi), thu nhập khả dụng của người dân sẽ tăng lên, qua đó, sẽ góp phần kích thích tăng chi tiêu hộ gia đình, tiêu dùng xã hội và cải thiện đời sống của người dân, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước và người nộp thuế TNCN.