Bộ Tài chính trả lời đề xuất bỏ bảo hiểm xe máy bắt buộc (Hình từ Internet)
Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm ra Công văn 2/QLBH-PNT ngày 01/01/2023 về việc bỏ quy định bắt buộc Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe gắn máy.
Theo đó, trả lời đề xuất bỏ bảo hiểm xe máy bắt buộc như sau:
Tại Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định về bảo hiểm bắt buộc như sau:
- Bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội.
- Bảo hiểm bắt buộc bao gồm:
+ Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;
+ Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;
+ Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng;
+ Bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm bắt buộc năm 2022.
- Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc có nghĩa vụ mua bảo hiểm bắt buộc và được lựa chọn tham gia bảo hiểm bắt buộc tại doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được phép triển khai.
- Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được phép triển khai bảo hiểm bắt buộc không được từ chối bán khi tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ điều kiện mua bảo hiểm bắt buộc theo quy định của pháp luật.
- Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm bắt buộc quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
Ngày 05/12/2022, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (QLBH) nhận được Đơn kiến nghị, phản ánh ngày 09/11/2022 về việc bỏ quy định bắt buộc Giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS của chủ xe mô tô, xe gắn máy trên hệ thống Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Theo đó, Cục QLBH trả lời như sau:
Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.
Trong quá trình xin ý kiến cũng có một số ý kiến đề nghị xem xét bỏ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe mô tô, xe máy, Bộ Tài chính đã có báo cáo giải trình Quốc hội.
Trong đó có nội dung về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Cơ sở pháp lý, kinh nghiệm quốc tế và thực tế triển khai bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với xe máy như sau:
- Theo quy định tại khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ:
Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô...; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự |
- Theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ:
Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau: - Đăng ký xe; - Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này; - Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này; - Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. |
- Theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định:
- Bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội. - Bảo hiểm bắt buộc bao gồm: + Bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới;... - Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm bắt buộc... |
- Hầu hết các nước đều áp dụng bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe ô tô, xe máy. Để bảo đảm thực hiện, nhiều quốc gia như (Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore...) đã có quy định việc tham gia giao thông khi không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba là bất hợp pháp và có thể áp dụng hình phạt tù trong trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần.
- Bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới (bao gồm cả ô tô, xe máy) được thực hiện tại Việt Nam đến nay đã được hơn 30 năm.
Hiện nay xe máy vẫn là nguồn phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu và là nguồn gây tai nạn lớn nhất tại Việt Nam (chiếm 63,48% nguyên nhân gây ra tai nạn).
Hiện nay, Bộ Tài chính (Cục QLBH) đang trong quá trình xây dựng Nghị định về bảo hiểm bắt buộc, căn cứ tình hình thực tiễn, ý kiến đề xuất của các bên liên quan, Bộ Tài chính (Cục QLBH) đã đề xuất Chính phủ sửa đổi một số quy định liên quan đến bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới như:
+ Bổ sung quy định giảm phí bảo hiểm;
+ Tăng tỷ lệ chi hỗ trợ nhân đạo từ 25% lên 30%;
+ Thu hẹp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm;
+ Tiếp tục đơn giản hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm;
+ Bổ sung quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện ghi âm các cuộc gọi đến đường dây nóng để bảo đảm quyền lợi của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm;
+ Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với mô tô, xe gắn máy.
Xem chi tiết tại Công văn 2/QLBH-PNT ngày 01/01/2023