Bệnh COVID-19 nghề nghiệp là gì? Hướng dẫn xác định bệnh COVID-19 nghề nghiệp
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Ngày 09/02/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 02/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.
Theo Điều 1 Phụ lục 35 ban hành kèm theo Thông tư 02/2023/TT-BYT, bệnh COVID-19 nghề nghiệp là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với vi rút SARS-Cov-2 có trong môi trường lao động.
Các yếu tố gây bệnh COVID-19 nghề nghiệp được xác định theo quy định tại Điều 2 Phụ lục 35 ban hành kèm theo Thông tư 02/2023/TT-BYT, cụ thể như sau:
- Có tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2 trong môi trường lao động.
- Yếu tố gây bệnh được ghi nhận tại một trong các văn bản sau:
+ Biên bản xác định tiếp xúc nghề nghiệp với vi rút SARS-CoV-2 được quy định tại Phụ lục 36 ban hành kèm theo Thông tư 02/2023/TT-BYT.
Mẫu biên bản xác định tiếp xúc nghề nghiệp với vi rút SARS-CoV-2 |
- Văn bản cử tham gia phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 do lãnh đạo đơn vị ký xác nhận, đóng dấu và các văn bản khác phù hợp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
- Đánh giá yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp quy định tại mục VI Mẫu 04 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP.
Mẫu đánh giá yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp |
- Biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp tính quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư 28/2016/TT-BYT.
Với việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2, những người lao động làm nghề, công việc sau đây có khả mắc bệnh COVID-19 nghề nghiệp như sau:
- Người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế.
- Người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu có chứa vi rút SARS-CoV-2.
- Người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 gồm:
+ Người làm nghề, công việc trực tiếp trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh COVID-19 tại nhà; - Người vận chuyển, phục vụ người bệnh COVID-19;
+ Người vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh COVID-19;
+ Người giám sát, điều tra, xác minh dịch COVID-19;
+ Nhân viên hải quan, ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh; - Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng và viên chức quốc phòng;
+ Chiến sỹ, sỹ quan thuộc lực lượng công an;
+ Người làm nghề, công việc khác được cử tham gia phòng chống dịch COVID-19.
(Điều 3 Phụ lục 35 ban hành kèm theo Thông tư 02/2023/TT-BYT)
Theo Điều 10 Phụ lục 35 ban hành kèm theo Thông tư 02/2023/TT-BYT, việc giám định bệnh COVID-19 nghề nghiệp được thực hiện như sau:
(1) Chỉ định giám định:
- Chuyên khoa hô hấp.
- Các chuyên khoa khác liên quan đến tổn thương thực thể do bệnh COVID-19 tuỳ trường hợp cụ thể.
- Không chỉ định giám định các triệu chứng, dấu hiệu quy định tại Điểm a Khoản 8 Phụ lục 35 ban hành kèm theo Thông tư 02/2023/TT-BYT.
- Cận lâm sàng:
+ Chỉ định cận lâm sàng bắt buộc: chụp X-quang phổi và/hoặc CT-scanner lồng ngực; đo chức năng hô hấp.
+Chỉ định cận lâm sàng khác: theo chỉ định của giám định viên chuyên khoa. - Hội chẩn bệnh nghề nghiệp khi có tổn thương, di chứng của bệnh COVID-19 nghề nghiệp ở hai cơ quan, bộ phận trở lên theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư 28/2016/TT-BYT.
(2) Tiêu chí loại trừ:
Tổn thương ở các cơ quan, bộ phận do các nguyên nhân khác không phải nhiễm vi rút SARS-CoV-2; tổn thương ở các cơ quan, bộ phận được ghi nhận mắc trước khi nhiễm vi rút SARS-CoV-2 căn cứ theo hồ sơ quản lý sức khỏe hoặc giấy tờ chẩn đoán, điều trị trước khi mắc bệnh COVID-19 (nếu có).
(3) Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh COVID-19:
Áp dụng tỷ lệ tổn thương cơ thể do di chứng của bệnh COVID-19 ở các cơ quan, bộ phận tương ứng quy định tại Bảng 2 Thông tư liên tịch 28/2013/TTLB-BYT- BLĐTBXH.
Thông tư 02/2023/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2023.