Xe vi phạm sẽ hết phơi mưa nắng

18/05/2013 16:41 PM

Đó là đề xuất của Bộ Công an bởi rất nhiều xe máy, ô tô vi phạm sau thời gian tạm giữ đã bị đánh tráo đồ đạc, “hứng” mưa nắng nên nhanh chóng trở thành sắt vụn

Thống kê của Bộ Công An cho thấy riêng lĩnh vực giao thông đường bộ mỗi năm đã có hàng chục ngàn phương tiện bị tạm giữ. Sau thời gian “tạm giam”, hầu hết phương tiện bị hư hỏng ít nhiều mà người dân không biết phải “kêu” với ai. “Đó là một thực tế đã xảy ra nhiều năm nay gây lãng phí lớn về tài sản, tiền bạc khiến người dân rất bức xúc” - đại tá Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế (V19) - Bộ Công an, nói.

Xe máy bị bỏ trên phố Phủ Doãn - Hà Nội (nay bãi xe này đã được dọn sạch). Ảnh: ĐỨC MINH

Không bảo quản được

Theo ông Quân, Bộ Công an đang hoàn thiện dự thảo nghị định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, trình Chính phủ xem xét phê duyệt trong thời gian tới. Điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo này là quy định về nguyên tắc quản lý, bảo quản phương tiện vi phạm bị tạm giữ, tịch thu.

Theo đó, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ, an toàn, sắp xếp hợp lý, dễ kiểm tra, tránh nhầm lẫn… Nơi tạm giữ phương tiện vi phạm giao thông phải bảo đảm an toàn về phòng chống cháy nổ và đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường. Ngoài ra, nghiêm cấm mọi hành vi đánh tráo, chiếm đoạt, mua bán trái phép, làm hư hỏng phương tiện bị tạm giữ và các hành vi trục lợi khác…

Hiện nay, các địa phương dẫn đầu về số lượng phương tiện bị tạm giữ là Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Thanh Hóa… đều đang tồn đọng một lượng lớn phương tiện không có người tới nhận; rất nhiều phương tiện đã trở thành đống sắt vụn do phải dầm mưa dãi nắng. “Lực lượng CSGT ra quyết định tạm giữ phương tiện nhưng các điểm trông giữ lại đa phần do cơ quan, đơn vị khác quản lý. Các điểm trông giữ này lại thiếu đủ thứ, không có mái che mưa nắng cho phương tiện nên chỉ sau một thời gian “nằm” ở đây thì đa số các phương tiện đều bị hư hao” - ông Quân cho biết.

Theo dự thảo nghị định, các điểm trông giữ phải có mái che mưa nắng và các điều kiện khác để bảo đảm về tính nguyên vẹn của phương tiện. Nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm cho việc quản lý phương tiện bị tạm giữ do ngân sách địa phương đảm trách. “Việc đầu tư cơ sở vật chất này chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn nhưng nếu không bảo đảm thì đừng lạm dụng việc tạm giữ nữa”- ông Quân kiến nghị.

Kho giữ xe vi phạm tại tầng hầm Công viên 23 Tháng 9, quận 1 - TPHCM do Lực lượng TNXP đảm trách Ảnh: TẤN THẠNH

Người vi phạm được phép bảo lãnh phương tiện

Tại buổi góp ý, thẩm định cho dự thảo nghị định này mới đây, ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cho biết người điều khiển phương tiện vi phạm giao thông đã bị xử phạt hành chính bằng tiền nhưng phương tiện vẫn bị tạm giữ. Sau đó, vì bảo quản không tốt gây hư hỏng, mất mát phụ tùng, thiết bị là xâm phạm tới quyền lợi chính đáng của người đó. Theo ông Liên, để các phương tiện bị tạm giữ hư hỏng nhiều như trong thời gian qua là lãng phí, gây thiệt hại không nhỏ cho tài sản của công dân.

Ông Trần Thế Quân cho rằng biện pháp tạm giữ phương tiện vi phạm giao thông chỉ nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng xác minh các tình tiết và xử lý vụ việc chính xác, công bằng. Gắn việc tạm giữ phương tiện vào nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông là không đúng về bản chất.

Tạm giữ phương tiện không phải mục đích của xử phạt, về lâu dài sẽ khiến đầu vào (số lượng phương tiện bị tạm giữ) rất lớn. Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ ngày 1-7 tới) cũng chưa nêu rõ về nơi tạm giữ, chế độ bảo quản tang vật, trách nhiệm quản lý… Điều này sẽ tiếp tục gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và bức xúc cho người dân.

Vì vậy, V19 đã đề xuất đưa vào dự thảo quy định cho phép bảo lãnh phương tiện vi phạm giao thông. Theo đó, người vi phạm có địa chỉ rõ ràng (thông qua hộ khẩu thường trú hoặc xác nhận của cơ quan đoàn thể) và có nơi bảo quản, trông giữ phương tiện thì có thể xin bảo lãnh phương tiện để đưa về nhà tự bảo quản trong thời gian xử lý vụ việc. Người xin bảo lãnh phải đặt cọc một khoản tiền, mức cụ thể do người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện quyết định.

Quá tải xe bị tạm giữ

Thống kê của Bộ Công an cho thấy mỗi năm, TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa… tạm giữ khoảng 250-1.600 ô tô, 7.000-20.000 xe máy và 4.000-8.000 phương tiện khác.

Trong khi đó, Công an TP Hà Nội cho biết hầu hết các điểm trông giữ đều không mặn mà với xe vi phạm. Năm 2010, toàn TP Hà Nội có khoảng 1.500 xe bị tạm giữ liên quan đến vi phạm giao thông, đến năm 2011 đã lên tới trên 2.000 xe. Theo quy định, nếu chủ phương tiện không tới nộp phạt và làm thủ tục để nhận lại xe thì các đơn vị thu giữ sẽ tổ chức bán đấu giá. Tuy nhiên, sau một thời gian, các xe đều hư hỏng nặng nên việc bán đấu giá cũng khó khăn. Đầu tháng 3 vừa qua, Phòng CSGT Đường bộ, Đường sắt - Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo 7 đội CSGT trong khu vực nội thành không xử lý, tạm giữ phương tiện trong giờ cao điểm.

THẾ KHA

Theo Người Lao Động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,697

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]