Nếu căn cứ vào số liệu mới công bố của TKV, dự án Tân Rai vẫn khó có hiệu quả kinh tế - xã hội, dự án Nhân Cơ còn thua lỗ nặng nề hơn Tân Rai. Chỉ đơn cử, TKV công bố dự án Tân Rai có các loại thuế phải nộp bình quân 422 tỉ đồng/năm. Số tiền này tính ra tương đương với thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT và phí môi trường. Trong khi đó, theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thuế xuất khẩu quặng nhôm là từ 15-40%. Giả sử dự án xuất khẩu alumina được ưu đãi áp dụng thuế xuất khẩu thấp nhất là 15%, số tiền thuế phải nộp ít nhất đã là 752 tỉ đồng/năm. Trong vòng 30 năm, nếu theo tính toán của TKV, ngân sách nhà nước sẽ thất thu ít nhất 22.560 tỉ đồng. Nếu tính đủ cả chi phí trên, dự án Tân Rai không thể có hiệu quả, lợi nhuận như TKV công bố.
Nhiều mâu thuẫn
* Như vậy, ông đánh giá thế nào về hiệu quả kinh tế - xã hội nói chung?
- Theo số liệu mới, tổng mức đầu tư của cả hai dự án là khoảng 30.000 tỉ đồng (khoảng 1,5 tỉ USD), nhưng chỉ tạo ra được 1.500 việc làm. Như vậy, để tạo ra một chỗ làm việc, các dự án bôxit cần đầu tư đến gần... 1 triệu USD/người. Trong khi số tiền 1,5 tỉ USD này nếu đầu tư cho cây công nghiệp sẽ tạo ra hàng triệu việc làm để góp phần ổn định đời sống của 6 triệu người dân trên Tây nguyên.
* TKV cho biết khoảng 12 năm sau, hai dự án bôxit sẽ thu hồi được vốn, dù thời gian dự tính lỗ sẽ 5-7 năm. Ở đây có điều gì mâu thuẫn không?
- Có khá nhiều mâu thuẫn. Mâu thuẫn lớn nhất là dù sử dụng tài nguyên khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân để xuất khẩu, nhưng TKV - một doanh nghiệp nhà nước - lại tính thuế xuất khẩu bằng 0% (trong khi Quốc hội quy định ít nhất là 15%). Nếu theo công bố của TKV, tổng giá trị lỗ trong năm năm của dự án Tân Rai là 1.019 tỉ đồng, trong khi tổng vốn phải thu hồi của Tân Rai là 15.172 tỉ đồng. Như vậy, nếu Tân Rai chỉ lỗ năm năm thì trong bảy năm tiếp theo, dự án Tân Rai sẽ phải có lợi nhuận sau thuế bình quân 2.313 tỉ đồng/năm. Con số lợi nhuận sau thuế lớn như vậy, với một ngành công nghiệp như bôxit là rất hiếm thấy. TKV cũng chưa cho thấy cơ sở khoa học của cách tính này.
TS Nguyễn Thành Sơn - Ảnh: V.Dũng
* Ông có khẳng định trong bài tham luận hội thảo rằng công nghệ khí hóa than của dự án Tân Rai lạc hậu khoảng 1/2 thế kỷ. Điều này ông rút ra từ đâu và nó nói lên điều gì?
- Các số liệu trong tham luận của tôi được lấy từ cam kết của nhà thầu. Theo cam kết của nhà thầu, để sản xuất 1 tấn alumina cần tiêu hao 679kg than, 74kg xút, 49,26kg vôi, 7m3 nước và 2,737 tấn quặng tinh. Riêng chi phí về than đã chiếm khoảng 26,5% giá thành alumina. Đặc biệt, chi phí cho khâu khai thác bôxit của TKV cũng khá đắt, lên tới khoảng 38 USD/tấn alumina. Điều này nói lên công nghệ của dự án Tân Rai lạc hậu nên tiêu hao nhiều than, tiêu hao rất nhiều nước và tiêu hao nhiều quặng bôxit (tổn thất tài nguyên lên tới hơn 50%).
* Với chi phí nguyên, nhiên liệu như vậy, ngay cả khi giá alumin thế giới tăng thì các nhà máy bôxit Tây nguyên cũng khó lòng cạnh tranh được với các nhà máy alumin khác trên thế giới?
- Rất khó có thể cạnh tranh được. TKV tính toán hiệu quả kinh tế với khẳng định giá bán sẽ tăng khoảng 1,21%/năm. Trong tham luận của mình, tôi dự báo và tính mức tăng giá bán còn cao hơn (1,26%/năm), nhưng nếu tính đúng, tính đủ các chi phí khác thì phải nói thật là chưa thấy có kịch bản nào có hiệu quả kinh tế.
* Sắp tới, hai dự án bôxit có thể sẽ có thêm nguồn thu vì TKV cho biết sẽ thu hồi được sắt từ bùn đỏ. Điều này sẽ tăng hiệu quả dự án?
- Về xử lý bùn đỏ, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN “đang hoàn thiện đề tài ở quy mô thử nghiệm, để chuyển sang quy mô công nghiệp việc nghiên cứu xử lý bùn đỏ để thu hồi lại xút, sản xuất sắt xốp, xỉ”. Trên thế giới, những dự án/đề tài thí điểm kiểu như vậy đã “thành công” rất nhiều nhưng chỉ trong quy mô thí nghiệm thôi. Thực tế, quặng sắt Thạch Khê có hàm lượng ôxít sắt còn cao hơn 2-3 lần so với bùn đỏ, nằm ngay sát bờ biển sao không làm? Nếu TKV tiến hành thu hồi quặng sắt từ bùn đỏ, tôi sợ rằng sẽ thêm một khâu lỗ nữa cho dự án alumina vì giá thành sản phẩm sắt xốp từ thu hồi bùn đỏ sẽ rất cao...
20 năm sau mới trả hết nợ
* Thưa ông, mới đây Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trong chương trình Dân hỏi bộ trưởng trả lời đã nói khai thác bôxit là cần thiết vì mỗi năm VN phải bỏ ra cả tỉ USD để nhập nhôm. Điều này có hợp lý?
- Đúng là VN đang phải nhập khẩu nhôm, nhưng không nên lấy đó làm lý do cho mọi chuyện. Không phải cứ thiếu sản phẩm gì là VN phải đầu tư sản xuất bằng được sản phẩm ấy cho dù hiệu quả kém đến đâu. Bộ trưởng Bộ Công thương hẳn biết thực tế hiện nay không chỉ nhôm mà kim loại nào VN cũng phải nhập. Dễ làm như gang thép mà mấy chục năm nay rồi có cạnh tranh nổi đâu. Ngành công nghiệp ôtô do Bộ Công thương chỉ đạo phát triển các năm qua cũng là một bài học. Chúng ta cần cân nhắc dành nguồn lực để đầu tư vào lĩnh vực VN có lợi thế cạnh tranh, như thế mới có thể tái cơ cấu theo mục tiêu tăng hiệu quả được. Theo tôi, việc nhập nhôm không phải là lý do chính đáng để phải triển khai hai dự án bôxit.
Chúng ta phải nói vì sự thật là dù thí điểm nhưng với hai nhà máy, TKV đã “giúp” bổ sung vào nợ công VN hơn 1,2 tỉ USD. Nếu cứ “quyết liệt” làm nốt Nhân Cơ, tổng nợ công sẽ tăng thêm gần 2 tỉ USD. Để trả nợ cho hai dự án thí điểm này, gần 140.000 lao động của TKV, theo tính toán, sẽ phải làm việc cật lực 20 năm may ra mới “xong”.
Công nhân nhà máy bôxit nhôm Tân Rai (Lâm Dồng) chằng buộc, phủ bạt che chắn số alumin để ngoài trời vì chưa bán được (ảnh chụp tháng 4-2013) - Ảnh: Mai Vinh
* Khi các chuyên gia cho rằng dự án bôxit không hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang từng khẳng định không đúng, đồng thời cho biết nhiều nước muốn mua, sắp tới có thể phải đấu giá bán alumin. Có phải do quyết làm bằng được nên nói thế?
- Tôi nghĩ có yếu tố cố tình muốn làm. Có nhiều vấn đề nếu thật sự thực hiện theo nguyên tắc kinh tế thị trường và đề cao tính hiệu quả, hợp lý thì sẽ khác. Đến nay, thực tế đã chứng minh khuyến cáo của các chuyên gia đều đúng, như thua lỗ, phải dừng xây cảng Kê Gà.
Khó có sức lan tỏa
* Quan chức Bộ Công thương vẫn đề nghị nên tính hiệu quả dự án một cách tổng thể dài hạn. TKV khẳng định hai dự án bôxit phải lỗ 5-7 năm. Như vậy nếu đợi để thấy hiệu quả thì mọi chuyện đã rồi. Người có trách nhiệm cũng về hưu hết...
- Cần phải dựa trên những tính toán dài hạn là rất đúng. Nhưng về nguyên lý, hiệu quả dự án phải tính cả đầu vào (hay chi phí) và đầu ra (hay doanh thu) của dự án tại một thời điểm. Chẳng ở đâu trên thế giới đầu tư dự án hàng tỉ USD mà lại... mong chờ sắp tới giá sản phẩm sẽ tăng như ở hai dự án bôxit Tây nguyên.
* TKV cho rằng giảm thuế, phí môi trường, đền bù cho dân... thì nhà máy sẽ hiệu quả. Dù là dự án quan trọng nhưng nếu nhà máy nào cũng xin thế thì VN sẽ ra sao?
- Theo tôi, bản thân dự án bôxit Tân Rai hay Nhân Cơ không có lãi (tức là không có hiệu quả về kinh tế - tài chính) thì lấy gì để “lan tỏa” cho Lâm Đồng hay Đắk Nông? Có phải để có hiệu quả kinh tế - xã hội nên TKV đang xin Chính phủ giảm tiền đền bù, giảm phí môi trường, giảm thuế xuất khẩu? Nếu thế, tôi không hiểu cái gọi là “hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội” sẽ là gì, nhất là khi hiệu quả tổng thể phải tính cả rủi ro về môi trường nếu phát sinh sau này, cả sức khỏe người dân... Và nếu được giảm đền bù thật thì hậu quả là dự án của TKV sẽ khiến nhiều người dân không thể mua nổi mảnh đất như mảnh đất họ đã bị giải tỏa cho bôxit.
Cầm Văn Kình thực hiện