Trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai) được biết đến như "trạm dừng chân" của hàng loạt giang hồ có máu mặt, khét tiếng một thời liên quan đến vụ án Năm Cam như: Hải "Bánh", Trường "Xoăn", Trúc "Mẫu hậu", Hoàng "Lựu đạn"... Đây cũng là nơi cải tạo của những tội phạm kinh tế hàng đầu như: Nguyễn Văn Mười Hai, Hải Robert, Đỗ Thị Mỹ Phượng (Phượng lai, nữ hoàng rượu lậu)…
Phạm nhân xếp hàng chuẩn bị nhập trại. Ảnh: Quốc Thắng. |
Dịp 2/9 năm nay, Xuân Lộc có 373 phạm nhân được đặc xá và 787 người được giảm án. Tuy nhiên, hầu hết những người liên quan đến chuyên án “Năm Cam” đều không lọt vào danh sách.
Theo một quản giáo của trại, Trúc “Mẫu hậu”, Hoàng “Lựu đạn” đang vật vã chống chọi với những cơn đau bệnh tật. Riêng Hải “Bánh”, đệ tử ruột của ông trùm Năm “Cam” một thời thì chỉ muốn bình lặng, không muốn nhắc về quá khứ nên họ đều xin không tiếp xúc phóng viên vào lúc này.
Cũng theo vị quản giáo, người phụ nữ từng lừng lẫy một thời này giờ ốm yếu, khổ sở với đủ các thứ bệnh hành hạ trong người. Khi nhắc về chồng và những đứa con của mình, Trúc “Mẫu hậu” thường rơm rớm nước mắt. Ở tuổi ngoài 60, ước mơ duy nhất của người đàn bà này là sớm trở về và thành tâm sám hối để cầu mong sự bình yên sẽ trở lại với gia đình.
Những ngày đầu mới đến, Trúc “Mẫu hậu” sống trong tâm trạng hoảng loạn, tuyệt vọng. Bà ta thường xuyên khóc lóc vật vã nhưng sau một thời gian, với sự động viên của cán bộ trại cũng như sự giúp đỡ của các phạm nhân khác, Trúc “Mẫu hậu” đã dần lấy lại được cân bằng. Bà sống hòa đồng với các phạm nhân khác.
"Hải "Bánh", Hoàng "Lựu đạn", Trường "Xoăn"... luôn là những phạm nhân đặc biệt. Họ luôn muốn chứng tỏ, khẳng định mình khi mới vào trại nhưng qua thời gian họ đã hướng thiện. Tuy chưa đủ điều kiện để giảm án nhưng những con người này giờ biết sống hòa đồng với các phạm nhân khác và sợ nhắc đến những năm tháng quá khứ", trung tá Nguyễn Trọng Tuấn, Phó giám thị trại giam Xuân Lộc cho biết.
Trái với hình ảnh lặng lẽ của những "nhân vật nổi tiếng" trên, hàng trăm phạm nhân khác của trại giam này đang hồ hởi chờ ngày về đoàn tụ.
Bé gái ở tù cùng mẹ và cũng được "đặc xá" trong dịp này. Ảnh: Quốc Thắng. |
Nhà văn hóa phân khu 2 của trại những ngày này được trang hoàng sạch sẽ. Các dãy bàn ghế tại hội trường được dọn ngăn nắp để phục vụ khóa học cho những phạm nhân sắp được tái hòa nhập với xã hội.
Vừa hoàn thành khóa học, Nguyễn Thị Ngọc Anh (33 tuổi, ngụ Đồng Nai) nhoẻn miệng cười tươi. Bước ra cửa Nhà văn hóa trại, chỉ bé gái trên tay, chị ta hóm hỉnh: “ Nó ở tù cùng mẹ và cũng sắp được đặc xá đấy”.
Chọn một góc tại phòng bên cạnh, người mẹ của 6 đứa con lặng lẽ kể về quá khứ của mình. Năm 2005, do hoàn cảnh khó khăn, Ngọc Anh thuê mặt bằng mở quán cà phê tại thị trấn Trảng Bom (Đồng Nai) để cùng chồng nuôi 3 con nhỏ. Muốn kiếm nhiều tiền, cô chủ liền tuyển 3 “chân dài” về nuôi ăn tại quán. Khi khách có nhu cầu, các nhân viên này sẵn sàng đi nhà nghỉ để “phục vụ” hoặc bán dâm tại chỗ. Mỗi lần như thế, chị ta sẽ thu 40.000 đồng.
Đến tháng 8/2005, ổ mại dâm đã bị công an khám phá. Bị tòa tuyên phạt 5 năm tù nhưng do con nhỏ nên được Ngọc Anh tại ngoại để nuôi dưỡng đứa con thứ 4 được hơn một tháng. Tuy nhiên, chưa được một năm, Ngọc Anh lại tiếp tục mang thai và sinh bé thứ 5. Việc thi hành án bị trì hoãn, mãi đến tháng 5/2010, để 5 đứa trẻ cho chồng chằm sóc, chị ta mới vào trại để thụ án. Tuy nhiên, thời điểm này chị ta đã lại mang bầu được hơn một tháng mà không biết nên bé gái được sinh ra ngay trong tù.
Dịp đặc xá năm nay, Ngọc Anh có tên trong danh sách khi thi hành mới được một năm 3 tháng. “Được nhà nước tạo điều kiện nuôi con nhỏ trong tù, tôi không phải lao động mà hàng tháng còn được cấp tiền nuôi con. Về lần này, có cực mấy cũng không phạm pháp”, chị tâm sự.
Một trường hợp khác cũng được đặc xá là Hiển (20 tuổi, Đồng Nai), phạm nhân mang tội giết người khi còn vị thành niên và bị phạt 7 năm tù.
Ngày ra trại đã đến gần nhưng Hiển lo lắng về sự kỳ thị. Ảnh: Quốc Thắng. |
Hiển nhớ như in vào tối 19/4/2008 đã cùng nhóm bạn bè tổ chức sinh nhật cho một cô bạn trong lớp. Nghe bạn bị đánh dọc đường, Hiển cùng 3 ‘chiến hữu’ khác kéo đi trả thù. Trong lúc đi tìm người đánh bạn mình, cả nhóm phát hiện một nhà sáng đèn nên xông vào đập cửa. Chủ nhà mang gậy ra đánh thì bị cả nhóm giật lấy gậy đánh túi bụi. Thấy anh này nằm im, cả đám bỏ về nhà ngủ.
Rạng sáng hôm sau, nhóm 4 người đã bị công an bắt vì người bị chúng đánh tối qua đã chết. Do không trực tiếp gây án, Hiển bị tuyên phạt 7 năm tù. ‘Thấy bạn bị đánh, em chỉ biết xông vào. Chắc do rượu sai khiến chứ nếu tỉnh táo thì không đến nỗi’, cậu này tỏ vẻ hối hận.
Đang học lớp 11, Hiển phải rời bỏ ghế nhà trường để nhập trại trả giá cho hành động nông nổi của mình. ‘Là một trong những phạm nhân nhỏ tuổi nhất, em được các quản giáo phân công vào đội xây dựng. Em cố gắng làm việc để cuộc sống có ích đồng thời học nghề để có thể làm việc khi ra tù’, Hiển tâm sự.
Sau khi biết mình có tên trong danh sách được đặc xá đợt này, Hiển mất ăn mất ngủ nhiều ngày. Cậu ta cho biết, mừng thì mừng nhưng cũng lo lắm, không biết ra tù mọi người sẽ nhìn em như thế nào.
Trung tá Nguyễn Trọng Tuấn chia sẻ, làm công tác trại giam nhiều năm, thấy phạm nhân được đặc xá trở về nhà là niềm vui lớn của ban giám thị. Tuy nhiên, cùng với đó là nỗi lo tái hòa nhập của những con người từng lầm lỗi.
"Đối với nhiều phạm nhân, khi bước chân ra khỏi cánh cổng trại giam họ cảm thấy bơ vơ, lạc lõng. Mặc cảm tội lỗi luôn hiện diện, họ co mình vào vỏ ốc và có thể tái phạm tội bất cứ lúc nào", ông Tuấn trăn trở.
Quốc Thắng