Chính sách thương mại, đấu thầu, tiền tệ - ngân hàng có hiệu lực tháng 4/2023 (Hình từ internet)
Chính phủ ban hành Nghị định 03/2023/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Cụ thể, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia được quy định như sau:
- Bộ máy giúp việc thực hiện chức năng tố tụng cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia:
+ Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh;
+ Ban Thư ký các Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh;
+ Ban Giám sát cạnh tranh.
- Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh được thành lập phòng. Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định số lượng phòng trực thuộc Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh. Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
- Một số đơn vị trực thuộc Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Công Thương.
Nghị định 03/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/04/2023.
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 06/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.
Cụ thể, hình thức bảo đảm dự thầu trong lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc quy định như sau:
Nhà thầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu trước thời điểm đóng thầu (trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều 30 Thông tư 15/2019/TT-BYT) theo các hình thức sau đây:
- Đối với gói thầu áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng, nhà thầu thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu theo hình thức thư bảo lãnh do ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam phát hành.
- Đối với gói thầu áp dụng lựa chọn nhà thầu không qua mạng, nhà thầu được lựa chọn một trong các hình thức bảo đảm dự thầu sau đây:
+ Đặt cọc;
+ Ký quỹ;
+ Thư bảo lãnh do ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam phát hành.
- Đối với gói thầu có giá trị bảo đảm dự thầu dưới 10 triệu đồng, nhà thầu không cần nộp bảo lãnh dự thầu trước thời điểm đóng thầu.
Trường hợp này, nhà thầu có cam kết về việc nếu được mời vào thương thảo hợp đồng nhưng không đến thương thảo hoặc từ chối thương thảo hợp đồng hoặc vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu dẫn đến không được hoàn trả giá trị bảo đảm dự thầu thì phải nộp một khoản tiền theo quy định của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
Nhà thầu sẽ bị nêu tên trên Hệ thống và bị khóa tài khoản trong vòng 06 tháng kể từ ngày Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được văn bản đề nghị của bên mời thầu.
Thông tư 06/2023/TT-BYT có hiệu lực từ 27/04/2023.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng.
Theo đó, tại Thông tư 11/2022/TT-NHNN quy định về hoạt động bảo lãnh ngân hàng điện tử như sau:
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng được lựa chọn thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng qua việc sử dụng các phương tiện điện tử (sau đây gọi là hoạt động bảo lãnh điện tử).
Việc thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử phải đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu và bảo mật thông tin phù hợp với quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền, giao dịch điện tử, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử đối với toàn bộ hoặc từng khâu trong quy trình bảo lãnh, tự chịu rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau:
+ Có giải pháp, công nghệ kỹ thuật đảm bảo tính chính xác, bảo mật, an toàn trong quá trình thu thập, sử dụng, kiểm tra thông tin, dữ liệu;
+ Có biện pháp kiểm tra, đối chiếu, cập nhật, xác minh thông tin, dữ liệu; có biện pháp ngăn chặn các hành vi giả mạo, can thiệp, chỉnh sửa làm sai lệch thông tin, dữ liệu;
+ Có biện pháp đánh giá, quản lý, kiểm soát rủi ro; phân công trách nhiệm cụ thể của từng bộ phận, cá nhân có liên quan trong hoạt động bảo lãnh điện tử và trong việc quản lý, giám sát rủi ro.
Thông tư 11/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ 01/04/2023.
Đỗ Thành Long