Đề xuất bổ sung 03 hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
30/03/2023 10:30 AM

Tôi muốn hỏi trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thì hành vi nào được xem là hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc? - Đức Cường (Bình Dương)

Đề xuất bổ sung 03 hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc

Đề xuất bổ sung 03 hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như:

1. Đề xuất bổ sung 03 hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc

Cụ thể tại Điều 43 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất các hành vi sau đây được xem là hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc:

(1) Người sử dụng lao động không đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Cụ thể trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động nộp hồ sơ theo quy định cho cơ quan bảo hiểm xã hội

(2) Người sử dụng lao động đã đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động nhưng đến thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 40 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mà chưa đóng hoặc đóng chưa đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng theo quy định.

Tại khoản 6 Điều 40 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất đối với người sử dụng lao động được quy định như sau:

- Ngày thứ 10 của tháng tiếp theo đối với phương thức đóng hằng tháng;

- Ngày cuối cùng của chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 03 tháng một lần;

- Ngày cuối cùng của tháng thứ 04 của chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 06 tháng một lần;

- Ngày cuối cùng của tháng thứ 07 của chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.

(3) Người sử dụng lao động đăng ký và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định.

(Hiện hành tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp là một hành vi bị nghiêm cấm)

2. Trốn đóng BHXH bắt buộc bị xử lý như thế nào?

- Đối với mức phạt hành chính: Người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

(Điểm a khoản 7 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

- Về khung phạt về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động:

Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động như sau:

(1)  Đối với cá nhân

- Khung 1:

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm đối với người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối

Hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm:

+ Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

+ Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

- Khung 2:

Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

+ Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người lao động;

+ Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).

- Khung 3:

Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;

+ Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người lao động trở lên;

+ Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).

- Hình phạt bổ sung:

Người phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

(2) Đối với pháp nhân thương mại

Pháp nhân thương mại phạm Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) thì bị phạt như sau:

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khung 1 nêu trên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khung 2 nêu trên, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khung 3 nêu trên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,943

Bài viết về

lĩnh vực Bảo hiểm

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]