Thảo luận tại hội trường hơn một ngày qua về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các ý kiến đại biểu đều cho rằng dự thảo đưa ra nhiều nội dung liên quan đến quyền con người, quyền công dân là thể hiện ý chí của nhân dân ta quyết tâm xây dựng một Nhà nước Việt Nam dân chủ, một Nhà nước vì dân, do dân, vì dân.
Các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ đồng tình với quy định tại Khoản 2, Điều 15 về một số quyền của công dân có thể bị giới hạn để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức xã hội cũng như không được gây ảnh hưởng tới các quyền của người khác.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Hồng Hà (tỉnh Vĩnh Phúc) đề nghị những giới hạn về quyền của con người, quyền cơ bản của công dân cần phải được quy định cụ thể trong luật để tránh tình trạng giới hạn tràn lan.
Một số quyền cơ bản như quyền tự do đi lại và cư trú, quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài (tại Điều 24) hoặc quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp biểu tình (tại Điều 26) cần phải bỏ điều kiện kèm theo là theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Trần Hồng Hà cho rằng đây là những quyền cơ bản Hiến định phải được thực hiện trong thực tế. Nên cần có quy định rõ điều kiện, trình tự thủ tục và cách thức thực hiện các quyền nêu trên do luật định.
Còn theo đại biểu Phạm Đức Châu (tỉnh Quảng Trị): “Dự thảo quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể hạn chế mức độ cần thiết trong trường hợp khẩn cấp theo tôi là không đúng. Vì trong thực tế tùy vào điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, đạo đức, phong tục, tập quán của mỗi quốc gia và từng thời kỳ nhất định mà nhà nước cho phép hay hạn chế việc thực hiện quyền con người, quyền công dân chứ không phải chỉ là trong trường hợp khẩn cấp như là trong dự thảo”.
Đại biểu Phạm Đức Châu nêu ví dụ quyền tự do cư trú (Điều 24) có thể bị hạn chế theo quy định của Luật Cư trú với các điều kiện đều không phải là trong trường hợp khẩn cấp. Hay quyền tự do kinh doanh (Điều 34), trong đó có những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì ai đó có thể bị hạn chế quyền này do không đáp ứng được quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện chứ đâu phải bị hạn chế trong trường hợp khẩn cấp?
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Đức Châu góp ý: Hiến pháp chỉ quy định những quyền, nghĩa vụ cơ bản. Khi thực hiện bất cứ quyền hay nghĩa vụ nào cũng đều phải theo quy định của pháp luật. Tại sao trong dự thảo chỉ có một vài nơi như Điều 24 quy định về quyền tự do đi lại, cư trú; hay Điều 25 quy định về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí v.v... lại có thêm quy định "theo quy định của pháp luật", còn các quyền khác thì lại không ghi "theo quy định của pháp luật". Như vậy là thiếu tính thống nhất, ông Châu nói.
Để xử lý vấn đề này, đại biểu cho rằng chỉ cần bổ sung nguyên tắc chung: Nhà nước bảo đảm việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật là đầy đủ, bao quát hết để trong các quyền, nghĩa vụ cụ thể không cần nhắc lại cụm từ "theo quy định của pháp luật".
Trong khi đó đại biểu Phạm Hồng Hương (tỉnh Hải Dương) đề nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung những quyền của con người, quyền công dân không thể bị giới hạn bằng luật.
Thành Chung