Ngày 10/5/2023, Tổng cụ Thuế ban hành Quy trình áp dụng quản lý rủi ro đánh giá, xác định người nộp thuế (NNT) có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn kèm theo Quyết định 575/QĐ-TCT ngày 10/5/2023, với các nội dung chính sau:
- Việc phân tích, đánh giá, phân loại NNT có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn được thực hiện tự động trên ứng dụng quản lý rủi ro (QLRR) theo từng cơ quan thuế quản lý trực tiếp NNT. Trường hợp ứng dụng QLRR thiếu thông tin để xác định NNT có dấu hiệu rủi ro thì việc áp dụng QLRR được thực hiện thủ công bằng văn bản đề xuất hoặc văn bản ký phát hành của người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế theo quy định.
- Việc đánh giá, phân loại NNT được thực hiện trên cơ sở thông tin quản lý rủi ro được cập nhật trên ứng dụng QLRR tại thời điểm đánh giá và các tiêu chí, chỉ số tiêu chí phân tích thông tin đánh giá NNT có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn do Tổng cục Thuế ban hành.
- Việc đánh giá, phân loại NNT được thực hiện định kỳ vào ngày 25 hàng tháng.
TCT hướng dẫn phân loại, xác định NNT có dấu hiệu rủi ro về hóa đơn (Hình từ internet)
Ngưỡng rủi ro là căn cứ phân loại rủi ro của NNT theo 3 hạng: rủi ro cao, rủi ro trung bình và rủi ro thấp. Ngưỡng rủi ro phải phê duyệt trên hệ thống và có hiệu lực kể từ ngày được phê duyệt. Ngưỡng rủi ro được điều chỉnh, ban hành theo yêu cầu quản lý từng thời kỳ. Việc xác định ngưỡng rủi ro được thực hiện đối với CSTC chấm điểm Nhóm II quy định tại Điều 8 Bộ CSTC ban hành theo Quyết định 78/QĐ-TCT và do Tổng cục Thuế hướng dẫn thực hiện làm căn cứ phân loại rủi ro của NNT.
- Việc phân ngưỡng rủi ro cao thực hiện theo hai (02) phương pháp sau:
+ Phương pháp số tuyệt đối: số lượng NNT có dấu hiệu rủi ro cao được ấn định cụ thể cho từng cơ quan thuế theo số lượng NNT hoặc theo tổng điểm rủi ro.
+ Phương pháp số tương đối: số lượng NNT có dấu hiệu rủi ro cao xác định theo tỷ lệ % tính trên số lượng NNT đang hoạt động đưa vào phân tích theo phạm vi phân tích.
- Tỷ lệ (số lượng) NNT xếp hạng rủi ro thấp tương ứng với 50% tổng số NNT lấy từ tổng điểm rủi ro thấp nhất trở lên.
- Tỷ lệ (số lượng) NNT xếp hạng rủi ro trung bình: là tỷ lệ (số lượng) NNT còn lại sau khi trừ đi số NNT rủi ro cao và số NNT rủi ro thấp.
Trường hợp NNT thuộc ngưỡng rủi ro cao nhưng có điểm trùng nhau thì xét theo chỉ số tiêu chí phụ với thứ tự ưu tiên như sau:
STT |
Chỉ số tiêu chí |
1. |
Số kỳ chậm kê khai thuế GTGT từ cao đến thấp. |
2. |
Số lần thay đổi về trụ sở, địa điểm kinh doanh. |
3. |
Người nộp thuế có thay đổi người đại diện trước pháp luật hoặc chuyển địa điểm kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý. |
4. |
Trong thời gian một (01) năm tính đến thời điểm đánh giá, người nộp thuế nhiều lần bị cơ quan thuế ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. |
5. |
Người nộp thuế có tỷ lệ “Tổng số thuế GTGT phải nộp/Tổng doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ kỳ này” thấp. |
6. |
Người nộp thuế có tỷ lệ “Doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ kỳ này/Doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ kỳ trước liền kề” lớn. |
(1) Nhóm I - Nhóm CSTC xác định NNT chuyển từ sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế sang hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế
Căn cứ Nhóm I - Nhóm CSTC quy định tại Điều 8 Bộ CSTC ban hành kèm theo Quyết định 78/QĐ-TCT, ứng dụng QLRR hỗ trợ lọc NNT có một trong các dấu hiệu rủi ro và đưa ra danh sách NNT có dấu hiệu rủi ro cao theo mẫu số 01-QLHĐ/QTr-QLRR ban hành kèm theo Quyết định 575/QĐ-TCT năm 2023. Trường hợp ứng dụng QLRR thiếu thông tin để xác định NNT có dấu hiệu rủi ro thì công chức thuế căn cứ hồ sơ khai thuế và các nguồn thông tin mà cơ quan thuế có được để rà soát, kiểm tra thực tế xác định NNT rủi ro cao.
Bộ phận Thanh tra - kiểm tra rà soát, kiểm tra thực tế (nếu cần), lập danh sách NNT chuyển đổi sang áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo mẫu 01-QLHĐ/QTr-QLRR, trình Lãnh đạo cơ quan thuế phê duyệt trước ngày 05 hàng tháng. Cục Thuế có trách nhiệm tổng hợp danh sách NNT thuộc quản lý của Chi cục Thuế và NNT thuộc quản lý của Cục Thuế.
(2) Nhóm II - Nhóm CSTC xác định NNT có dấu hiệu rủi ro phải thực hiện kiểm tra việc quản lý và sử dụng hóa đơn
Căn cứ Bộ chỉ số tiêu chí đã được thiết lập theo quy định tại Nhóm II- Nhóm CSTC quy định tại Điều 8 Bộ CSTC ban hành kèm theo Quyết định 78/QĐ-TCT, ứng dụng QLRR sẽ tự động tính điểm rủi ro của từng NNT theo từng chỉ số tiêu chí và xác định tổng điểm rủi ro của các chỉ số tiêu chí vào ngày 25 hàng tháng. Trên cơ sở ngưỡng rủi ro đã được phê duyệt và tổng điểm rủi ro của NNT, ứng dụng QLRR phân loại NNT theo 3 hạng: rủi ro cao, rủi ro trung bình, rủi ro thấp.
Danh sách NNT có dấu hiệu rủi ro được lập theo mẫu số 02-QLHĐ/QTr-QLRR ban hành kèm theo Quyết định 575/QĐ-TCT năm 2023.
(3) Nhóm III - Nhóm chỉ số tiêu chí tham khảo xác định NNT có dấu hiệu rủi ro phải kiểm tra việc quản lý và sử dụng hóa đơn
Tùy thuộc vào yêu cầu quản lý từng thời kỳ, cơ quan thuế có thể sử dụng nhóm chỉ số tiêu chí tham khảo xác định NNT có dấu hiệu rủi ro phải kiểm tra việc quản lý và sử dụng hóa đơn để thực hiện phân tích rủi ro về NNT. Cơ quan thuế có thể sử dụng một hoặc một số các chỉ số tiêu chí Nhóm III để phân tích, đánh giá, xác định NNT có dấu hiệu rủi ro cao. Đối với nhóm CSTC này, cơ quan thuế thực hiện nhập thông số cho các CSTC, ứng dụng QLRR sẽ hỗ trợ phân tích rủi ro và lọc những NNT có dấu hiệu rủi ro thuộc một trong các chỉ số tiêu chí Nhóm III để đưa vào danh sách NNT cần rà soát, kiểm tra mà không qua chấm điểm rủi ro.
Danh sách NNT có dấu hiệu rủi ro được lập theo mẫu số 03-QLHĐ/QTr-QLRR ban hành kèm theo Quyết định 575/QĐ-TCT năm 2023.
Căn cứ kết quả phân tích rủi ro và ngưỡng rủi ro, hệ thống hỗ trợ đưa ra danh sách các NNT có dấu hiệu rủi ro cao. Lãnh đạo cơ quan thuế (có thể ủy quyền cho trưởng bộ phận Quản lý rủi ro) thực hiện phê duyệt danh sách NNT có dấu hiệu rủi ro cao.
Bộ phận Quản lý rủi ro tại cơ quan thuế thực hiện kết xuất danh sách NNT có dấu hiệu rủi ro cao trên ứng dụng QLRR theo mẫu số 01-QLHĐ/QTr-QLRR, mẫu số 02-QLHĐ/QTr-QLRR và mẫu số 03-QLHĐ/QTr-QLRR (nếu có) để chuyển tới bộ phận Thanh tra - kiểm tra quản lý trực tiếp NNT để phục vụ công tác quản lý và sử dụng hóa đơn. Ứng dụng QLRR hỗ trợ in phiếu nhận xét kết quả phân tích của từng NNT phải kiểm tra theo Mẫu số 04-QLHĐ/QTr-QLRR ban hành kèm theo Quyết định 575/QĐ-TCT năm 2023.
Chậm nhất là ngày 28 hàng tháng, bộ phận Quản lý rủi ro chuyển đến bộ phận Thanh tra - kiểm tra danh sách NNT có dấu hiệu rủi ro cao đã được phê duyệt nêu trên để phục vụ công tác rà soát, kiểm tra thực tế việc quản lý và sử dụng hóa đơn. Cụ thể như sau:
+ Đối với danh sách NNT có dấu hiệu rủi ro cao theo CSTC Nhóm I ban hành kèm theo Quyết định 78/QĐ-TCT sẽ được cơ quan thuế rà soát để kiểm tra thực tế (nếu cần) xác định NNT có rủi ro chuyển từ sử dụng hóa đơn điện tử không có mã sang hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
+ Đối với danh sách NNT có dấu hiệu rủi ro cao theo kết quả phân loại rủi ro tại CSTC Nhóm II, III quy định tại Điều 8 ban hành theo Quyết định 78/QĐ-TCT là căn cứ để cơ quan thuế thực hiện kiểm tra vi phạm pháp luật về hóa đơn.
- Lãnh đạo bộ phận Thanh tra - kiểm tra căn cứ vào danh sách NNT có dấu hiệu rủi ro cao thực hiện phân công công chức trực tiếp xử lý danh sách NNT có dấu hiệu rủi ro cao để rà soát kiểm tra theo quy trình quản lý hóa đơn điện tử và quy trình kiểm tra thuế hiện hành.
- Căn cứ trên danh sách được phân công, công chức thuế thực hiện kiểm tra các nội dung rủi ro cao theo kết quả phân tích của từng chỉ số tiêu chí.
Qua kết quả rà soát thanh tra - kiểm tra, công chức xử lý hồ sơ thực hiện loại trừ các rủi ro đã rõ nguyên nhân, đã được giải trình hợp lý tại các tháng/quý trước đó, trình Lãnh đạo bộ phận Thanh tra - kiểm tra và Lãnh đạo cơ quan thuế phê duyệt. Lãnh đạo cơ quan thuế chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.
+ Trường hợp NNT qua đánh giá phân loại thuộc danh sách NNT có dấu hiệu rủi ro cao nhưng khi thực hiện rà soát, kiểm tra thực tế hai (02) kỳ khai thuế trước lại không phát sinh hành vi vi phạm pháp luật về thuế, hành vi vi phạm về hóa đơn sẽ được tiếp tục đưa vào phân tích, đánh giá rủi ro sau thời hạn sáu (06) tháng kể từ khi có kết quả kiểm tra.
+ Trường hợp cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế có thông tin tin cậy làm giảm mức độ rủi ro của NNT tới mức thấp hoặc có cơ sở cho rằng mức độ rủi ro của NNT là thấp thì cơ quan thuế quyết định không lựa chọn NNT đó để kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế.
+ Trường hợp trong công tác quản lý thuế, cơ quan thuế có thông tin tin cậy xác định NNT có dấu hiệu rủi ro cao trong quản lý và sử dụng hóa đơn thì cơ quan thuế lựa chọn bổ sung vào kế hoạch kiểm tra.
Sau khi thực hiện rà soát, giải trình bổ sung danh sách NNT có dấu hiệu rủi ro cao mà cơ quan thuế cần thực hiện kiểm tra về hóa đơn, bộ phận Thanh tra - kiểm tra sẽ trình Lãnh đạo cơ quan thuế phê duyệt danh sách. Trên cơ sở danh sách NNT có dấu hiệu rủi ro cao đã được Lãnh đạo cơ quan thuế phê duyệt, bộ phận Thanh tra - kiểm tra chuyển bộ phận Quản lý rủi ro nhập lý do bổ sung hoặc loại trừ NNT trong danh sách NNT có dấu hiệu rủi ro cao vào ứng dụng QLRR theo mẫu số 01-QLHĐ/QTr-QLRR, mẫu số 02- QLHĐ/QTr-QLRR và mẫu số 03-QLHĐ/QTr-QLRR ban hành kèm theo Quyết định 575/QĐ-TCT năm 2023 chậm nhất ngày là 05 của tháng tiếp theo.
- Đối với danh sách NNT có dấu hiệu rủi ro cao theo CSTC Nhóm I ban hành kèm theo Quyết định 78/QĐ-TCT: sau khi được cơ quan thuế rà soát, kiểm tra thực tế (nếu cần) và xác định NNT có rủi ro chuyển từ sử dụng hóa đơn điện tử không có mã sang hóa đơn có mã của cơ quan thuế, căn cứ danh sách NNT phải chuyển từ hóa đơn không có mã sang hóa đơn có mã của cơ quan thuế, Lãnh đạo cơ quan thuế (có thể ủy quyền cho bộ phận QLRR) phê duyệt trên ứng dụng QLRR để chuyển sang ứng dụng hóa đơn điện tử.
Đối với danh sách NNT có dấu hiệu rủi ro cao cần kiểm tra theo CSTC Nhóm II và Nhóm III ban hành kèm theo Quyết định 78/QĐ-TCT: căn cứ vào danh sách NNT có rủi ro cao cần kiểm tra. Lãnh đạo cơ quan thuế (có thể ủy quyền cho bộ phận QLRR) phê duyệt trên ứng dụng QLRR để chuyển sang ứng dụng thanh tra - kiểm tra. Cơ quan thuế thực hiện kiểm tra việc quản lý và sử dụng hóa đơn theo quy định hiện hành của pháp luật thuế và pháp luật về hóa đơn đối với NNT có rủi ro cao và các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh liên quan trong sử dụng hóa đơn nếu cần thiết.