Nhưng đằng sau những câu chuyện ban hành chính sách “trên trời” này là vấn đề có thể quy trách nhiệm của một tập thể hay cá nhân một ai đó có liên quan hay không?
Dù đã có Luật, nhưng nhiều văn bản được ban hành vẫn xa rời thực tế
Đảm bảo tính khả thi
Một trong những nguyên tắc trong xây dựng, ban hành VBQPPL được quy định tại Luật ban hành VBQPPL đó là phải bảo đảm tính khả thi của VBQPPL. Luật cũng quy định: Trong quá trình soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến cơ quan, tổ chức hữu quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.
Đơn vị chủ trì soạn thảo cũng phải nêu những vấn đề cần xin ý kiến phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến và xác định cụ thể địa chỉ tiếp nhận ý kiến; đăng tải toàn văn dự thảo trên trang thông tin điện tử của Chính phủ hoặc của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo trong thời gian ít nhất là sáu mươi ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến...
Quy trình lấy ý kiến vào VB như quy định ở trên cũng là đảm bảo tính khả thi của VB sau khi được ban hành.
Luật ban hành VBQPPL cũng quy định về trình tự thẩm tra, xem xét, thông qua…VBQPPL. Đặc biệt, Luật quy định VBQPPL phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát, kiểm tra theo quy định của pháp luật.
Việc giám sát, kiểm tra VBQPPL được tiến hành nhằm phát hiện những nội dung sai trái hoặc không còn phù hợp để kịp thời đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xác định trách nhiệm của cơ quan, cá nhân đã ban hành văn bản sai trái.
Cùng với Luật ban hành VBQPPL, Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về về kiểm tra và xử lý VBQPPL cũng có quy định về xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật.
Trong đó, việc xem xét trách nhiệm tập thể, trách nhiệm cá nhân được thực hiện như sau: Cơ quan ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật phải tổ chức việc kiểm điểm, xác định trách nhiệm của tập thể và báo cáo cơ quan cấp trên có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật, đồng thời, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật.
Cán bộ, công chức trong quá trình tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, thông qua văn bản có nội dung trái pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ lỗi và nội dung trái pháp luật của văn bản, phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về kỷ luật cán bộ, công chức.
Trường hợp cán bộ, công chức có hành vi vi phạm trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị đề nghị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật…
Luật và Nghị định quy định như vậy nhưng trên thực tế, các văn bản có hiệu lực trên trời đã bị dư luận điểm mặt chỉ tên, đó là chuyện ghi tên cha mẹ trong chứng minh nhân dân, chuyện cấm nghe điện thoại ở cây xăng, chuyện cấm bán thịt lợn trong 8 tiếng, chuyện cấm lắp kính trên nắp quan tài…Tuy nhiên, dường như việc xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân ban hành các chính sách đó vẫn chưa được thực thi một cách nghiêm túc khiến dư luận bất bình.
Ban hành chính sách không khả thi cũng là lãng phí!
Quá trình lấy ý kiến Dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của người phê duyệt, ban hành chủ trương, cơ chế, chính sách gây lãng phí.
Tuy nhiên, theo giải trình của Chính phủ thì việc xây dựng, ban hành các VBQPPL để thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của nhà nước được thực hiện theo trình tự, thủ tục chặt chẽ quy định tại Luật Ban hành VBQPPL, phải lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra và tùy theo hình thức văn bản pháp luật phải trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ thảo luận thông qua...
Trường hợp VBQPPL có nội dung trái pháp luật, không đảm bảo chất lượng, không khả thi thì việc xử lý đã có quy định tại Luật Ban hành VBQPPL và Chính phủ đã có Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 quy định việc kiểm tra và xử lý VBQPPL như xử lý trách nhiệm đối với tập thể, trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của cán bộ, công chức tham mưu soạn thảo, thẩm định.
Tuy nhiên, nhìn vào các chính sách thiếu tính khả thi trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, Luật ban hành VBQPPL, Nghị định 40/CP chưa là “công cụ” hữu hiệu trong việc ngăn chặn lãng phí trong ban hành chính sách. Sự lãng phí trong lĩnh vực này không chỉ tính bằng tiền bạc của nhà nước, của dân mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội.
Do đó, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của người đưa ra chính sách không phù hợp gây lãng phí. Dù vậy, cũng có luồng ý kiến ngược lại chỉ ra rằng, các chính sách được ban hành theo hình thức tập thể thì không thể quy trách nhiệm cá nhân.
Dù trách nhiệm là cá nhân hay tập thể thì đại đa số ý kiến vẫn cho rằng, phải có địa chỉ cụ thể để quy trách nhiệm, để việc ban hành VBQPPL không phải để ”cho vui, cho có” hoặc làm ”quấy quá cho xong”, mà quan trọng là các quy định hiện hành phải được thực hiện nghiêm trên thực tế.
Ngay cả Luật ban hành VBQPPL, nếu chỉ quy định chế tài mà không xử lý ai, không thực hiện được thì chính bản thân các quy định cũng chỉ để trên giấy mà thôi. Sự nghiêm minh của pháp luật thể hiện qua tính khả thi của từng văn bản là điều người dân mong đợi ở những người làm chính sách./.
Bà Lê Thị Nga (Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội): Không nên để tiếp tục tồn tại - Thực tế, để “đối phó” với những khó khăn trong quá trình phát triển, một số địa phương lại tự mình đưa ra những quy định “xé rào” nhằm đáp ứng yêu cầu bức bách về quản lý của mình và họ bị rơi vào tình trạng hợp pháp thì không hợp lý, hợp lý thì không hợp pháp. Những tranh luận sôi nổi về các trường hợp xé rào của một số địa phương vừa qua không chỉ là vấn đề pháp lý đơn thuần, mà còn liên quan cả đến trách nhiệm pháp lý của người ra quyết định, như tình trạng “xé rào” trong ưu đãi đầu tư FDI của 32 tỉnh từ năm 2001 đến 2005, việc ưu đãi vượt khung thuế đối với Samsung của tỉnh Bắc Ninh gần đây, việc hạn chế nhập cư của Đà Nẵng, việc từ chối tuyển dụng đại học tại chức vào các cơ quan công quyền ở Nam Định, Quảng Nam, Đà Nẵng v.v... Rõ ràng về mặt pháp lý, Quốc hội không nên để tiếp tục tồn tại tình trạng này, vì không đảm bảo tính pháp chế, tính minh bạch, công bằng và làm hạn chế phát triển chung của cả quốc gia. |
Thu Hằng
Pháp luật VN