Nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế TNCN (Hình từ internet)
Quốc hội thông qua Nghị quyết 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Cụ thể tại Nghị quyết 101/2023/QH15, Quốc hội yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra;
Đồng thời, theo dõi sát diễn biến, dự báo tình hình trong nước và thế giới, có giải pháp chính sách nhanh nhạy, phù hợp, giải pháp điều hành sát thực tiễn, cụ thể, khả thi và tổ chức thực hiện quyết liệt, tập trung vào một số vấn đề sau đây:
(1) Bảo đảm ổn định, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ bên ngoài;
(2) Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm; nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân; linh hoạt trong điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu; đề xuất giải pháp chính sách phù hợp đối với cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, thuế các-bon.
Kịp thời giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật. Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo Quốc hội lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV;
(3) Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định nền tảng vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế hợp lý. Điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường quản lý, giám sát các thị trường chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; khẩn trương xử lý các bất cập trong tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, môi giới, bán chéo bảo hiểm nhân thọ; thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn; bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
Nghiên cứu xây dựng tiêu chí, phương pháp xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng theo tinh thần Nghị quyết 62/2022/QH15 của Quốc hội;
(4) Nâng cao chất lượng xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước.
Tăng cường quản lý các nguồn thu từ đất, cổ phần hóa doanh nghiệp, thuế, phí, chống thất thu, trốn thuế; quản lý chặt chẽ vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp; tập trung giải quyết những dự án thua lỗ kéo dài, những ngân hàng, doanh nghiệp có vi phạm, không để phát sinh tổn thất tiếp theo.
Chỉ đạo thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; kịp thời xử lý thu hồi về ngân sách nhà nước các khoản thu, chi không đúng quy định đã được kết luận, kiến nghị. Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực; tăng cường vai trò của Kiểm toán nhà nước trong kiểm toán, kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công;
(5) Tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, xã hội hóa các dịch vụ công, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá và các lĩnh vực khác đã được các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất hoặc có nhiều vướng mắc được các địa phương, người dân, doanh nghiệp kiến nghị;
Phát hiện, xác định cụ thể những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật và văn bản dưới luật có liên quan, báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; kịp thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản dưới luật không còn phù hợp hoặc kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị quyết có liên quan;
(6) Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm. Sớm đề xuất ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định cụ thể cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung;
(7) Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch không gian biến quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia theo đúng tinh thần của Nghị quyết 61/2022/QH15 của Quốc hội. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án quan trọng quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia;
(8) Tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, tiếp tục rà soát cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, không để làm phát sinh thủ tục, “giấy phép con”, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi.
Tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm định xe cơ giới và việc bảo đảm các yêu cầu phòng cháy, chữa cháy. Khắc phục kịp thời, căn cơ tình trạng thiếu điện, bảo đảm an ninh năng lượng. Tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm và giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế; nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, chữa bệnh;
(9) Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, tiêu dùng trong nước; khai thác hiệu quả thị trường truyền thống, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.
Đẩy nhanh tốc độ phục hồi ngành du lịch; tập trung nguồn lực khôi phục và mở rộng, đa dạng hóa thị trường khách quốc tế; tổ chức các chương trình xúc tiến quảng bá ở thị trường mới, thị trường có nhiều tiềm năng;
(10) Có các giải pháp phù hợp và thực hiện hiệu quả để ổn định việc làm cho người lao động, hỗ trợ kịp thời cho người lao động thất nghiệp, mất việc làm; xây dựng nhà ở xã hội, xây dựng và nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất.
Chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh; ngăn chặn suy thoái về đạo đức, lối sống; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em và tệ nạn xã hội; thực hiện tốt chính sách đối với người có công. Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số.
Phát huy vai trò của các trường đại học sư phạm trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên, đánh giá thực trạng để bố trí giáo viên dạy các môn học mới phù hợp; xử lý có hiệu quả các bất cập về sách giáo khoa, tình trạng thừa, thiếu giáo viên, thiếu trường học, lớp học; ưu tiên ngân sách đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, bảo đảm điều kiện thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội gắn với ổn định sinh kế, nhất là tại khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chủ động ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh...
Căn cứ theo Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi 2012 và Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14) quy định về giảm trừ gia cảnh như sau:
- Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú. Giảm trừ gia cảnh gồm hai phần sau đây:
+ Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);
+ Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
- Việc xác định mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc thực hiện theo nguyên tắc mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một đối tượng nộp thuế.
- Người phụ thuộc là người mà đối tượng nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, bao gồm:
+ Con chưa thành niên; con bị tàn tật, không có khả năng lao động;
+ Các cá nhân không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức quy định, bao gồm con thành niên đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề; vợ hoặc chồng không có khả năng lao động; bố, mẹ đã hết tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động; những người khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng.
Chính phủ quy định mức thu nhập, kê khai để xác định người phụ thuộc được tính giảm trừ gia cảnh.
Xem thêm Nghị quyết 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023.
Hồ Quốc Tuấn