05/09/2011 14:07 PM

Những TCTD bị phát hiện có thỏa thuận lãi suất vượt trần có thể công bố công khai cảnh cáo; đóng cửa hoạt động đối với chi nhánh, phòng giao dịch, có thể bị cấm giao dịch trên thị trường mở, thị trường liên NH.

Tóm tắt:
  • NHTM nhỏ có vai trò nhất định trong nền kinh tế, cấp vốn cho các đối tượng như DN nhỏ, cá nhân, hộ gia đình,...
  • NHNN có thể cấp vốn cho NHTM nhỏ, nếu NHTM không có tài sản thế chấp thì vốn cấp sẽ được chuyển thành vốn góp của NHNN.
  • Bên cạnh đó áp dụng các chế tài nghiêm khắc, thường xuyên kiểm tra. Có vi phạm thì kiên quyết xử lý như đóng cửa chi nhánh, phòng giao dịch, không cho tham gia thị trường liên ngân hàng,..
Sẽ tái cấp vốn đủ mức cần thiết cho các ngân hàng nhỏ và vốn cấp có thể tính vào vốn góp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), NHNN có thể trở thành cổ đông lớn nắm quyền điều khiển các NH nhỏ bằng các biện pháp kinh tế - đó là những giải pháp mà NHNN có thể đưa ra trong cuộc họp vào ngày 7.9 tới về giảm lãi suất với sự tham gia của tất cả các tổ chức tín dụng.

Những NH nhỏ cũng có quyền được lên tiếng và chính sách tiền tệ liên quan đến nhóm này chắc chắn sẽ là một trong những chủ đề “nóng” được đề cập.

“Mèo nhỏ bắt chuột con”

Cuộc cải cách hệ thống NH sẽ bắt đầu từ các NH nhỏ. Sự nâng cấp một loạt các NH TMCP nông thôn thành đô thị 5 - 6 năm trước đã để lại dấu ấn trong các NH nhỏ. Nhỏ ở đây không chỉ về VĐL, mạng lưới, quy mô hoạt động mà còn về trình độ quản trị, công nghệ, nhân lực. Quá trình chuyển dịch nhãn mác từ nông thôn lên đô thị đó là sự đan xen của các quyền lợi kinh tế, chính trị, liên quan đến nhóm lợi ích của các cổ đông tầm cỡ. Vì thế cải cách NH nhỏ đòi hỏi một tầm nhìn, sự mạnh dạn, bản lĩnh và sự ủng hộ của cả ngành NH, DN cũng như dư luận.

Một quan chức cấp cao của NHNN cho biết, quan điểm của cơ quan quản lý là NH nhỏ cũng có vai trò nhất định trong nền kinh tế và “mèo nhỏ thì bắt chuột con”, cung cấp dịch vụ cho những đối tượng như hộ gia đình, nông dân, cá nhân, tiểu thương, chợ, DN nhỏ... trong phạm vi khống chế. Điều cần phân biệt chính là NH lành mạnh hay không lành mạnh. Đáng sợ nhất không phải là quy mô nhỏ, mà là NH không lành mạnh.

Từ sự nhìn nhận đó, sẽ lọc ra các NH có vấn đề. Những NH nhỏ mất cân đối về vốn, thiếu thanh khoản sẽ được tái cấp vốn cho đủ. Tổng số vốn có khả năng cấp cho 10 NH nhỏ nghe thì lớn, nhưng thực tế lại không đáng kể so với toàn bộ nguồn vốn của hệ thống. Số liệu tính toán khoảng 10.000 - 15.000 tỉ đồng. Cấp vốn sẽ đi kèm điều kiện hạn chế tối đa những hoạt động rủi ro.
Chẳng hạn chỉ được huy động vốn ở một giới hạn nào đó, theo một tỉ lệ nào đó, chứ không phải anh có 10 đồng vốn, mà huy động đến 200 đồng, rồi cứ thế đem cả 200 đồng cho vay. Hoặc anh không thể cho vay thêm, chỉ thu hồi nợ. Những hạn chế đó thực chất là thu hẹp quy mô hoạt động, cho đến khi các NH nhỏ “khỏe” trở lại. Nếu thực sự khỏe mạnh, họ có thể gia nhập đội ngũ NH. Ngược lại, thoi thóp, không sống được, các NH nhỏ sẽ không tránh khỏi bị mua lại, sáp nhập, thậm chí giải thể. Đây là một biện pháp thúc đẩy quá trình hợp nhất, giảm số lượng NH về mức phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế.

Để được cấp vốn, các NH nhỏ phải thế chấp. Còn không, vốn cấp được tính vào vốn góp của NHNN. Liệu pháp này có tính khả thi cao và một khi đã là cổ đông chi phối, NHNN có thể quản lý, điều khiển các NH theo ý đồ của mình. Các NH nhỏ không lành mạnh có quyền nhận cấp vốn hoặc từ chối, nhưng lúc này là lúc họ phải lựa chọn cho sự tồn tại của bản thân. 

Chế tài hà khắc

Một cơ chế thích hợp nhằm thanh lọc và tháo gỡ vấn đề của các NH nhỏ chỉ có thể phát huy tác dụng nếu gắn kết tích cực với các biện pháp chế tài. Trước mắt đó là cuộc đua lãi suất huy động. Lãi suất huy động phải giảm để tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay. Thời gian qua mặc dầu NHNN có quy định về trần lãi suất huy động, cảnh báo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhưng trên thực tế không phát hiện và cũng không có xử lý nghiêm nào. Kết quả là những NH tuân thủ quy định thì thua thiệt; chỉ những NH cố tình lách mới có lợi.

Sự trống vắng giữa lời nói và hành động của NHNN trước đó nên được thay thế bằng các biện pháp xử lý mang tính liên tục, quyết liệt, triệt để. Ở cấp địa phương, chi nhánh NHNN các tỉnh, thành theo dõi diễn biến hằng ngày lượng vốn huy động của các tổ chức tín dụng. Nếu có tăng giảm đột biến, bất thường thì kiểm tra ngay. Ở cấp quốc gia, NHNN có thể định kỳ 15 ngày có kiểm tra, đánh giá tương tự với các NH.

Mặt khác, ở vai trò quản lý, NHNN nên xây dựng nội dung kiểm tra các “chiêu” lách trần lãi suất tiết kiệm, công khai rộng rãi lấy ý kiến dư luận để làm cơ sở cho thanh tra vào làm việc. Những tổ chức tín dụng bị phát hiện có thỏa thuận lãi suất vượt trần có thể công bố công khai cảnh cáo; đóng cửa hoạt động đối với chi nhánh, phòng giao dịch; cấm hành nghề (làm việc) trong lĩnh vực NH đối với lãnh đạo cũng như nhân viên trực tiếp vi phạm. Mạnh tay hơn, những NH có chi nhánh, phòng giao dịch vi phạm có thể bị cấm giao dịch trên thị trường mở, thị trường liên NH.  

Các giải pháp trên không chỉ mang tính răn đe. Nó phải được thực thi nghiêm chỉnh. Có lẽ dư luận cũng hiểu rõ có không ít các DN nhà nước - thậm chí TCty - góp vốn vào các NH nhỏ. Do đó, sự dứt khoát của một số DN quốc doanh, không đòi hỏi, thỏa thuận lãi suất tiền gửi cao ở các NH “ruột” cũng cần được khuyến khích và có định hướng. 
Theo Hải Lý
Lao động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,830

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]