Các đối tượng liên quan đều là người thân của hung thủ, là bố, mẹ, em trai, bác, cô, chú, anh họ... biết hung thủ phạm tội nhưng không tố giác tội phạm mà cố tình che giấu, và tiếp tay giúp hung thủ trốn chạy.
Luật sư Trần Tiến, công ty luật VDT Hà Nội |
Mẹ của Luyện được xác định, sau khi con trai bỏ trốn đã mang chiếc áo dính máu của con để lại ở nhà giặt sạch phi tang.
Ngoài bố mẹ đẻ của Luyện, cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi tiếp tay cho tội phạm của hai bố con bác ruột của Luyện là Trương Văn Hợp và Trương Thanh Hồng.
Biết em họ mình gây án giết người cướp tài sản và đang bị thương ở tay, Hồng đã lấy xe máy đưa Luyện đi băng bó vết thương và chở ra bến xe cho đứa em tội lỗi chạy trốn lên huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn với ý định đào tẩu sang bên kia biên giới. Hợp là bác họ của Luyện, biết rõ tội ác cháu mình gây ra đã không tố giác tới cơ quan điều tra, gây khó khăn cho công tác truy xét, nhận diện hung thủ vụ án.
Tại cơ quan điều tra, Hồng khai, khi Luyện bắt xe đi Lạng Sơn, anh ta đưa cho Hồng hai dây chuyền và biên nhận cầm cố xe máy của ông chú. Luyện dặn anh họ bán vàng lấy tiền chuộc xe giúp mình. Tuy nhiên, Hồng không làm theo mà đưa hết số vàng trên cho bố của Luyện.
Những người thân che giấu cho Lê Văn Luyện : 1. Lê Văn Miên (bố đẻ) 2. Trương Thị Thơm (mẹ) 3. Lê Văn Long (em trai) 4. Trương Thanh Hợp (bác ruột) 5. Trương Văn Hồng (anh họ) 6. Lê Thị Định (cô ruột) 7. Lê Văn Nghi (chú rể) |
Cô của Luyện cũng liên đới vì đã che giấu và giúp Luyện cất giấu một lượng vàng ăn cướp.
Theo quan điểm của Ban chuyên án, những kẻ gián tiếp, hoặc trực tiếp liên quan đến hành vi phạm tội của kẻ sát nhân trong vụ án này đều phải bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc.
Trao đổi với Đất Việt về hành vi che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm của 6 người thân là bố mẹ, cô chú bác và anh họ của sát thủ Lê Văn Luyện, luật sư Trần Tiến, công ty luật VDT Hà Nội cho biết: Điều 21 Bộ luật Hình sự quy định về hành vi che giấu tội phạm như sau: “Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện, đã che giấu người phạm tội, các dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.”
Theo đó, những người đã đưa đón bị can Luyện từ nơi gây án, đến nơi sơ cứu vết thương và đưa ra xe khách để tìm cách chạy trốn đã phạm vào điều luật này. Ngoài ra những người đã biết về hành vi phạm tội của Luyện, nhưng vẫn che giấu, tạo điều kiện để Luyện bỏ trốn, giấu các tang vật và dấu vết của Luyện cũng bị coi là có hành vi che giấu tội phạm.
“Nếu xét theo điều này thì bố mẹ của Luyện và những người liên quan đến hành vi che giấu tội phạm có thể bị xử phạt đến tối đa 5 năm tù”, ông Tiến nói.
Căn cứ theo Điều 314 Bộ luật Hình sự, nếu biết trước về ý định thực hiện hành vi phạm tội của Luyện mà bố mẹ và em trai của Luyện có những hành động can ngăn hoặc hạn chế được hậu quả của hành vi phạm tội thì những người đó có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc được miễn hình phạt. Về điều này cần được xem xét kỹ và làm rõ trong quá trình điều tra.
Về hành vi không tố giác tội phạm, Điều 22 Bộ luật Hình quy định: 1. Người nào biết rõ tội phạm đang đựơc chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 313 của Bộ luật này. 2. Người không tố giác là ông, bà , cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 313 của Bộ luật này. Vì đây là hành vi phạm tội đặc biệt nghêm trọng, nên những người thân của Luyện như bố, mẹ, anh chị em ruột cũng khó tránh khỏi tội danh không tố giác tội phạm. Với tội danh này, mức án cho người phạm tội tối đa là 3 năm. Điều 314 quy định về tội không tố giác tội phạm như sau: 1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 313 của Bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. 2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại khoản 1 Điều này. 3. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt. Theo quy định này, nếu người tội thuộc các tội không nghiêm trọng và không được quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự thì có thể những người thân ruột thịt như ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ sẽ có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. |