Hướng dẫn trang bị và bố trí bình chữa cháy (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Trang bị và bố trí bình chữa cháy quy định tại tiểu mục 5.1 Mục 5 Tiêu chuẩn TCVN 3890:2023 như sau:
- Trang bị, bố trí bình chữa cháy xách tay và bình chữa cháy có bánh xe
(i) Tất cả các khu vực trong nhà và công trình kể cả những nơi đã được trang bị hệ thống chữa cháy phải trang bị bình chữa cháy xách tay hoặc bình chữa cháy có bánh xe.
(ii) Lựa chọn, tính toán trang bị và bố trí bình chữa cháy thực hiện theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 TCVN 7435-1.
(iii) Đối với khu vực có diện tích hẹp và dài hoặc khu vực có nhiều cấp sàn khác nhau, gần kề nhau thì việc trang bị bình chữa cháy vẫn phải đảm bảo khoảng cách di chuyển từ vị trí để bình chữa cháy đến điểm xa nhất cần bảo vệ của một bình không vượt quá quy định tại (ii).
(iv) Trên cùng một sàn hoặc tầng nhà, nếu mặt bằng được ngăn thành các khu vực khác nhau bởi tường, vách, rào hoặc các vật cản khác không có lối đi qua lại thì việc trang bị bình chữa cháy phải riêng biệt và đảm bảo theo quy định tại (ii) và (iii).
(v) Phải có số lượng bình chữa cháy dự trữ không ít hơn 10% tổng số bình theo tính toán để trang bị thay thế khi cần thiết (cho phép không quá 100 bình mỗi loại).
(vi) Bình chữa cháy được bố trí theo thiết kế, ở vị trí dễ thấy, dễ lấy và nên có màu đỏ, trường hợp khó nhận biết có thể sử dụng các chỉ dẫn vị trí và theo các quy định tại Điều 5 TCVN 7435-1. Không được để bình chữa cháy tập trung một chỗ trừ trường hợp để trong kho dự trữ theo quy định tại (v).
Bình chữa cháy phải luôn sẵn sàng để sử dụng ngay lập tức và được bố trí tại:
- Nơi mà những người theo đường thoát nạn sẽ dễ dàng nhìn thấy chúng;
- Phù hợp nhất, gần lối ra vào phòng, cầu thang, hành lang và lối đi;
- Ở các vị trí tương tự trên mỗi tầng, nơi các tầng có cấu trúc giống nhau.
Không đặt các bình chữa cháy ở các khu vực, vị trí sau:
- Khi đám cháy tiềm ẩn có thể ngăn cản việc tiếp cận chúng;
- Gần các thiết bị sinh nhiệt mà có thể làm ảnh hưởng chất lượng, hiệu quả của bình chữa cháy;
- Ở những vị trí khuất sau cửa ra vào, trong tủ không quan sát được bình chữa cháy hoặc hốc sâu;
- Nơi chúng có thể gây cản trở lối thoát nạn;
- Ở các vị trí trong phòng hoặc hành lang cách xa lối ra trừ trường hợp cần thiết đối với nguy hiểm cháy;
- Nơi chúng có thể bị hỏng do các hoạt động thường ngày.
(vii) Bình chữa cháy xách tay và bình chữa cháy có bánh xe phải đảm bảo tính năng và cấu tạo được quy định tại TCVN 7026, TCVN 7027.
- Trang bị, bố trí bình bột chữa cháy tự động kích hoạt loại treo
+ Các bình bột chữa cháy tự động kích hoạt loại treo phải phù hợp với TCVN 12314-1.
+ Căn cứ điều kiện thực tế của nhà và công trình, có thể lắp đặt ở mặt tường hoặc treo trên trần nhà, với chiều cao thích hợp sao cho đảm bảo diện tích bảo vệ hữu hiệu theo công bố của đơn vị sản xuất. Trong bất kỳ trường hợp nào phải đảm bảo khoảng cách từ bộ phận cảm biến nhiệt đến trần nhà là không quá 40 cm.
+ Bình bột chữa cháy tự động kích hoạt loại treo có thể được trang bị tại khu vực bếp của nhà hàng, các phòng nồi hơi, giặt là có diện tích không quá 100 m2.
Nếu lắp đặt tại khu vực có diện tích trên 100m2 thì nên phân chia thành các khu vực có diện tích đến 100 m2 bằng tường ngăn cháy (có giới hạn chịu lửa không thấp hơn REI 45) hoặc vách ngăn cháy (có giới hạn chịu lửa không thấp hơn EI 45).
- Trang bị, bố trí bình khí chữa cháy tự động kích hoạt
+ Bình khí chữa cháy tự động kích hoạt phải phù hợp với TCVN 12314-2.
+ Cho phép trang bị bình khí chữa cháy tự động kích hoạt (có thiết kế bổ sung chức năng giám sát xả, tín hiệu xả phải được truyền về tủ trung tâm báo cháy) thay thế hệ thống chữa cháy tự động bằng khí tại các khu vực không thường xuyên có người với diện tích không quá 100 m2.
Nếu lắp đặt tại khu vực có diện tích trên 100m2 thì phải phân chia thành các khu vực có diện tích không quá 100m2 bằng tường ngăn cháy (có giới hạn chịu lửa không thấp hơn REI 45) hoặc vách ngăn cháy (có giới hạn chịu lửa không thấp hơn EI 45).
Nguyễn Ngọc Quế Anh