Đề xuất 10 loại tài sản thuộc được xác lập quyền sở hữu toàn dân

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
03/08/2023 15:52 PM

Tôi muốn biết các loại tài sản nào được Chính phủ đề xuất là tài sản thuộc được xác lập quyền sở hữu toàn dân? – Khải Hoàng (Long An)

Đề xuất 10 loại tài sản thuộc được xác lập quyền sở hữu toàn dân

Đề xuất 10 loại tài sản thuộc được xác lập quyền sở hữu toàn dân (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Chính phủ đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân sẽ thay thế cho Nghị định 29/2018/NĐ-CP.

Dự thảo Nghị định

Đề xuất 10 loại tài sản thuộc được xác lập quyền sở hữu toàn dân

Cụ thể tại Điều 3 Dự thảo Nghị định quy định các loại tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân bao gồm:

(1) Tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật, gồm:

- Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu.

- Vật chứng vụ án, tài sản khác bị tịch thu theo quy định của pháp luật về hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự (sau đây gọi là vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu).

(2) Bất động sản vô chủ, gồm: Bất động sản vô chủ hoặc không xác định được chủ sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự.

(3) Tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, gồm: Tài sản bị đánh rơi, bỏ quên không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận theo quy định của pháp luật về dân sự.

(4) Tài sản là di sản không có người thừa kế, gồm:

- Tài sản không có người thừa kế  theo quy định tại Điều 622 Bộ luật Dân sự.

- Tài sản hết thời hiệu yêu cầu chia di sản kể từ thời điểm mở thừa kế nhưng không có người chiếm hữu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự.

- Phần quyền sở hữu bất động sản khi một trong các chủ sở hữu chung đối với bất động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế theo quy định tại khoản 4 Điều 218 Bộ luật Dân sự.

(5) Tài sản là hàng hóa tồn đọng được lưu giữ lại khu vực cảng, kho, bãi thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.

(6) Tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam, gồm: Tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ và các hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho Nhà nước Việt Nam nhưng không thuộc trường hợp phải hạch toán ngân sách nhà nước theo quy định của các pháp luật có liên quan.

Việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho Nhà nước Việt Nam được thực hiện thông qua Bộ, cơ quan trung ương hoặc chính quyền địa phương.

Trường hợp khi chuyển giao đã xác định cụ thể cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận, nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận thuộc trung ương quản lý thì được xác định là chuyển giao thông qua Bộ, cơ quan trung ương; nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận thuộc địa phương quản lý thì được xác định là chuyển giao thông qua chính quyền địa phương.

Đối với tài sản do các chuyên gia, nhà thầu, tư vấn nước ngoài chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam, nếu dự án do trung ương quản lý thì được xác định là chuyển giao thông qua Bộ, cơ quan trung ương; nếu dự án do địa phương quản lý thì được xác định là chuyển giao thông qua chính quyền địa phương.

(7) Tài sản của quỹ xã hội, quỹ từ thiện bị giải thể, gồm:

- Tài sản còn lại của quỹ xã hội, tài sản của quỹ từ thiện bị giải thể (sau khi đã thực hiện xử lý theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 42 Nghị định 93/2019/NĐ-CP) nhưng không có quỹ khác có cùng mục đích hoạt động nhận tài sản chuyển giao.

- Tài sản còn lại của quỹ xã hội, tài sản của quỹ từ thiện bị giải thể do hoạt động vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội (sau khi đã thực hiện xử lý theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 42 Nghị định 93/2019/NĐ-CP).

(8) Tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động.

(9) Tài sản được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, gồm: Tài sản được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (BTO), Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (BTL), Hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (BLT).

(10) Tài sản bị chôn giấu, bị vùi lấp, chìm đắm, gồm: Tài sản được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán mà tại thời điểm phát hiện hoặc tìm thấy không có hoặc không xác định được chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.

Hiện hành tại Nghị định 29/2018/NĐ-CP quy định 06 loại tài sản thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Xem thêm: Chi tiết 06 loại tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,297

Bài viết về

lĩnh vực Tài chính nhà nước

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]