Trước đó, chiều 7.8, Công an TP.Hà Nội đã khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) H.Hoài Đức”. Việc đình chỉ công tác ông Liêm được giải thích là nhằm phục vụ cho việc điều tra của cơ quan công an. UBND TP.Hà Nội cũng giao ông Nguyễn Văn Dung, Phó giám đốc Sở Y tế kiêm phụ trách điều hành BVĐK Hoài Đức trong thời gian ông Liêm bị tạm đình chỉ công tác.
|
Cùng ngày, Sở Y tế Hà Nội đã tạm đình chỉ công tác đối với 6 cán bộ của Khoa Xét nghiệm của BV này, trong đó có Trưởng khoa Xét nghiệm Vương Thị Kim Thành và kỹ thuật viên trưởng Phan Thị Oanh. Bà Oanh cũng là người từng đứng tên trong đơn tố cáo các sai phạm tại Khoa Xét nghiệm (sau đó bà này đã rút tên khỏi đơn tố cáo).
“Mượn” nhà thầu máy xét nghiệm
Trong khi chờ cơ quan điều tra làm rõ mức độ sai phạm trong việc giả mạo kết quả xét nghiệm tại BVĐK Hoài Đức, Sở Y tế Hà Nội đang làm rõ vấn đề “mượn” máy xét nghiệm của BV này. Trao đổi với báo chí sáng 8.8, đại diện Công ty CP dược phẩm Hà Tây cho biết: Việc tham gia thầu và cung cấp hóa chất vào BVĐK Hoài Đức do chi nhánh của công ty này là Công ty đông dược vật tư y tế thực hiện. Theo báo cáo của Công ty đông dược vật tư y tế, năm 2001 đơn vị này trúng thầu vào BVĐK Hoài Đức 237 triệu đồng; năm 2012 tiếp tục trúng thầu hơn 1 tỉ đồng.
Ngày 21.11.2011, ông Nguyễn Trí Liêm có công văn gửi Công ty đông dược vật tư y tế với nội dung: “Vì máy phân tích sinh hóa, xét nghiệm huyết học đã cũ kỹ, thường xuyên hỏng hóc, kinh phí tự chủ của BV chưa có nên công tác khám chữa bệnh tại BV khó khăn. Do đó, đề nghị công ty cho mượn 1 máy xét nghiệm huyết học; 1 máy xét nghiệm sinh hóa để đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh”.
Ông Nguyễn Thạc Hưng, Giám đốc Công ty đông dược vật tư y tế - Công ty CP dược phẩm Hà Tây xác nhận việc cho mượn máy này.
Đại diện Công ty CP dược phẩm Hà Tây than: “Chiều được BV cũng vất vả. Chi nhánh của chúng tôi làm gì có máy xét nghiệm nhưng khi giám đốc BV yêu cầu, chi nhánh vẫn phải đi thuê, mượn máy để BV sử dụng”.
“Liều lĩnh chưa từng có”
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm xã hội VN, cho biết: Quỹ BHYT thanh toán cho bệnh viện 11.000 - 23.000 đồng/xét nghiệm. Ước có khoảng 1.000 phiếu xét nghiệm khống, tương đương khoảng 70 triệu đồng.
Ông Sơn nhấn mạnh: “Ước tính thiệt hại tài chính do giả mạo kết quả xét nghiệm thì không ghê gớm nhưng hành vi thì nghiêm trọng”. Việc giả mạo kết quả xét nghiệm nếu không có bệnh nhân điều trị thì là gian dối, lập hồ sơ rút tiền từ quỹ BHYT. Nếu có bệnh nhân điều trị bằng kết quả sai lệch như vậy thì hậu quả là khôn lường. Một kết quả sinh hóa mà chung cho trẻ hơn 10 tháng đến người trên 60 tuổi thì chưa từng có trong lịch sử các gian dối được phát hiện qua giám định hồ sơ. Sai kết quả là sai tình trạng bệnh tật dẫn đến điều trị sai, nguy hiểm đến tính mạng.
“Việc gian lận xét nghiệm, lập hồ sơ khống để rút tiền BHYT không phải là cá biệt, chúng tôi vẫn phát hiện tại một số BV qua giám định. Nhưng với hiện tượng sai lệch xét nghiệm với số lượng lớn, diện rộng và khá liều lĩnh như ở BVĐK Hoài Đức thì chưa từng có”, ông Sơn nói.
Liên Châu - Thái Sơn
Thanh Niên