Ngày 29-7, Chính phủ đã ban hành Nghị định 85/2013 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp (GĐTP), có hiệu lực từ ngày 15-9-2013. Pháp Luật TP.HCM trao đổi với bà Nguyễn Thị Thụy, Trưởng phòng GĐTP (Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp) về những điểm mới đáng chú ý của văn bản này.
Thêm công cụ bảo vệ quyền lợi
. Phóng viên: Nghị định cho phép thành lập văn phòng GĐTP, vậy người dân sẽ được hưởng lợi gì, thưa bà?
+ Bà Nguyễn Thị Thụy: Văn phòng GĐTP là tổ chức GĐTP ngoài công lập, còn được gọi là giám định tư, sẽ được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả. Việc ra đời các văn phòng GĐTP là bước tiến mới trong tiến trình nâng cao chất lượng tố tụng; giúp người dân có thể chủ động thực hiện giám định để tạo lập và cung cấp chứng cứ hữu hiệu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Việc ra đời các văn phòng GĐTP trong lĩnh vực xây dựng, ngân hàng, cổ vật… giúp người dân có thể chủ động hơn để tạo lập và cung cấp chứng cứ hữu hiệu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong ảnh: Giám định một công trình xây dựng. Ảnh: CTV
Bên cạnh tổ chức giám định công lập thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người dân cũng có thể yêu cầu giám định tư để kiểm chứng kết quả nếu có nghi vấn. Điều này đảm bảo quyền dân chủ, minh bạch chứng cứ trong tố tụng, người tham gia tố tụng có thêm niềm tin mà cũng tâm phục, khẩu phục bản án xét xử.
. Nghị định 85/2013 cũng cho phép các tổ chức GĐTP công lập được thực hiện giám định theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức. Đây có thể xem là hướng mở dịch vụ công đáp ứng nhu cầu người dân không?
+ Thật ra trước đây đã có quy định này rồi nhưng các phòng Kỹ thuật hình sự ngành công an có làm dịch vụ hay không thì tùy thuộc quan điểm của lãnh đạo ngành và địa phương. Có nơi do nhân lực ít nên không thể làm, có nơi do chưa có cơ chế rõ ràng, ngại vi phạm quy định ngành nên cũng không dám làm. Thực tế, cũng có thông tin rằng các ngân hàng, doanh nghiệp lớn có hợp tác mời chuyên gia của ngành công an làm những kỹ thuật giám định giấy tờ, chữ ký… nhưng không công khai.
Lần này, quy định mới giao cho các bộ soạn thảo thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực quản lý của ngành nên tin rằng sẽ tạo cơ chế, mở cửa cung cấp dịch vụ. Đó là nhu cầu bức thiết của xã hội, không thể tránh né. Điển hình như Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện dịch vụ giám định số khung, số máy cho các phương tiện giao thông khi sang tên đổi chủ. Theo khảo sát thì từ khi có dịch vụ này, tình trạng tiêu thụ xe gian, mua bán xe có nguồn gốc bất hợp pháp từ buôn lậu, trộm cắp đã vắng bóng vì mọi người đều dễ dàng phát hiện xe gian và biết rằng khi làm giấy tờ đăng ký sẽ chẳng thoát được.
Nếu vênh nhau, có trọng tài giải quyết
. Vậy nếu xảy ra trường hợp kết luận của hai tổ chức giám định vênh nhau thì giải quyết thế nào?
+ Về mặt khoa học thì giám định không phải hoạt động hành chính nên tính chính xác, khách quan của kết luận giám định không phụ thuộc theo cấp Nhà nước mà phụ thuộc vào trình độ giám định viên, kỹ thuật công nghệ xét nghiệm, thiết bị máy móc… Không phải Viện Pháp y quốc gia, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an có thẩm quyền cao hơn Trung tâm Pháp y cấp tỉnh, Phòng Kỹ thuật hình sự tỉnh. Chủ yếu là do trình độ nghiệp vụ họ cao hơn, đầu tư máy móc hiện đại hơn, công nghệ giám định cao hơn nên chất lượng kết luận giám định được mọi người tin cậy nhiều hơn.
Luật GĐTP đã xác lập cơ chế giải quyết đối kháng giữa hai kết luận giám định khác nhau. Đó là thành lập Hội đồng Giám định để thực hiện giám định lại lần thứ hai. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý về lĩnh vực cần giám định sẽ quyết định thành lập hội đồng, gồm có ít nhất ba thành viên là những người có chuyên môn cao và có uy tín trong lĩnh vực cần giám định, thực hiện cơ chế giám định tập thể.
Có thể nói, đây là kết luận giám định gần như cuối cùng bởi đã huy động tất cả nhân lực, kỹ thuật mức cao nhất. Trong trường hợp đặc biệt, viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao mới quyết định giám định lại sau khi đã có kết luận của Hội đồng Giám định.
. Có ý kiến cho rằng việc giám định cổ vật, bản quyền… khó thu hút giám định tư. Trong khi đó, nhu cầu giám định về chữ ký, giấy tờ, ADN… rất lớn lại không được mở cửa với giám định tư, vì sao vậy?
+ Bà Nguyễn Thị Thụy: Những yêu cầu giám định đó thuộc lĩnh vực kỹ thuật hình sự. Ngay từ khi xây dựng Luật GĐTP, Bộ Tư pháp đã đề xuất mở rộng xã hội hóa một số kỹ thuật trong lĩnh vực này nhưng phía Bộ Công an cho rằng vướng Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, theo đó chủ trương xã hội hóa GĐTP chỉ đối với một số lĩnh vực “có nhu cầu giám định không lớn, không thường xuyên”.
BÌNH MINH
Pháp luật TP