Đề xuất phương án hộ gia đình không được thành lập hộ kinh doanh

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
07/09/2023 08:25 AM

Cho tôi hỏi hiện nay hộ gia đình được thành lập hộ kinh doanh, vậy thời gian tới có thay đổi gì về quy định này không? – Thái Hà (Ninh Thuận)

Đề xuất phương án hộ gia đình không được thành lập hộ kinh doanh

Đề xuất phương án hộ gia đình không được thành lập hộ kinh doanh (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh.

Dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh

1. Đề xuất phương án hộ gia đình không được thành lập hộ kinh doanh

Theo dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh thì quyền thành lập hộ kinh doanh như sau:

Dự thảo Nghị định đưa ra 02 phương án quy định về đối tượng thành lập hộ kinh doanh để lấy ý kiến rộng rãi, gồm:

Phương án 1: Giữ nguyên quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP, đối tượng thành lập hộ kinh doanh là cá nhân và thành viên hộ gia đình.

Tại Dự thảo Nghị định này quy định về đối tượng thành lập hộ kinh doanh được thiết kế theo Phương án 1, bao gồm các khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này:

1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.

2. Thành viên hộ gia đình quy định tại Nghị định này là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

3. Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự có quyền thành lập hộ kinh doanh và có nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định tại Nghị định này, trừ các trường hợp sau đây:

- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;

- Các trường hợp khác theo quy định của luật.

Phương án 2: Đối tượng thành lập hộ kinh doanh chỉ là cá nhân.

Như vậy theo phương án 2 này thì hộ gia đình không được thành lập hộ kinh doanh.

2. Đề xuất có thể dùng tài khoản định danh điện tử đăng ký hộ kinh doanh

Dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh quy định các phương thức đăng ký hộ kinh doanh như sau:

Hộ kinh doanh, người thành lập hộ kinh doanh hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng ký hộ kinh doanh với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện theo một trong các phương thức sau đây:

- Đăng ký trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;

- Đăng ký qua dịch vụ bưu chính;

- Đăng ký qua mạng thông tin điện tử.

Trong đó đối với phương thức đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử được quy định như sau:

- Đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử là việc người thành lập hộ kinh doanh, chủ hộ hộ kinh doanh thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh trên Hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh thuộc Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

- Người thành lập hộ kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc sử dụng Tài khoản định danh điện tử để đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,051

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]