Nguyên tắc huy động lực lượng Cảnh sát khác phối hợp tuần tra kiểm soát giao thông

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
11/09/2023 13:30 PM

Xin hỏi nguyên tắc huy động lực lượng Cảnh sát khác phối hợp tuần tra kiểm soát giao thông như thế nào? - Mỹ Ngân (Long An)

Nguyên tắc huy động lực lượng Cảnh sát khác phối hợp tuần tra kiểm soát giao thông (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Nguyên tắc huy động lực lượng Cảnh sát khác phối hợp tuần tra kiểm soát giao thông

Theo Điều 31 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định yêu cầu và nguyên tắc huy động lực lượng Cảnh sát khác phối hợp tuần tra kiểm soát giao thông như sau:

- Tuân thủ theo quy định tại Luật Công an nhân dân, Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 27/2010/NĐ-CP về việc huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết, Thông tư 32/2023/TT-BCA và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Bảo đảm đúng tuyến đường, địa bàn, thời gian đã đề ra trong kế hoạch. Việc xử lý vi phạm hành chính khi tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải theo đúng quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính, nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và pháp luật có liên quan.

- Việc huy động lực lượng Cảnh sát khác tham gia phối hợp tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông phải theo đúng thẩm quyền, nhiệm vụ và chỉ trong trường hợp cần thiết theo quy định tại Nghị định 27/2010/NĐ-CP. Việc phối hợp phải trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng được huy động theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền và phù hợp với thực tế nhiệm vụ.

2. Lực lượng được huy động và điều kiện của cán bộ chiến sĩ được huy động

- Lực lượng được huy động: Các lực lượng Cảnh sát khác trong Công an nhân dân.

- Điều kiện đối với cán bộ chiến sĩ được huy động như sau:

Cán bộ chiến sĩ được huy động phối hợp với Cảnh sát giao thông tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải được quán triệt, nắm vững các quy định của pháp luật giao thông đường bộ, quy định về xử lý vi phạm hành chính, nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và quy định về tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ.

(Điều 32 Thông tư 32/2023/TT-BCA)

3. Nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát khác khi tham gia tuần tra kiểm soát giao thông

Căn cứ theo khoản 2 Điều 33 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát khác khi tham gia tuần tra kiểm soát giao thông như sau:

- Bố trí lực lượng, trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo kế hoạch;

- Xử lý vi phạm theo thẩm quyền; thống kê, báo cáo các vụ, việc vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông đường bộ; kết quả tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo sự phân công trong kế hoạch;

- Trường hợp không có lực lượng Cảnh sát giao thông đi cùng thì Công an xã thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành và báo cáo tình hình, kết quả hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cho lực lượng Cảnh sát giao thông.

Công an xã chỉ được tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường xã và đường khác thuộc địa bàn xã quản lý. Khi phát hiện người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe thô sơ có các hành vi vi phạm pháp luật như: 

- Không đội mũ bảo hiểm theo quy định; chở quá số người quy định; 

- Chở hàng hóa cồng kềnh, quá kích thước giới hạn quy định; 

- Dừng, đỗ xe không đúng quy định; 

- Phóng nhanh, lạng lách, đánh võng; 

- Không có gương chiếu hậu ở bên trái; 

- Sử dụng ô (dù); 

- Chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện theo quy định hoặc phát hiện phương tiện giao thông vi phạm nghiêm trọng về trật tự, an toàn giao thông, an ninh, trật tự xã hội nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, thì được xử lý theo quy định của pháp luật. 

Trong quá trình giải quyết, xử lý vụ việc của các hành vi vi phạm nêu trên, nếu phát hiện hành vi vi phạm khác thì được xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt quá thẩm quyền xử phạt thì lập biên bản vi phạm hành chính và báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông, tiến hành kiểm soát, xử lý vi phạm thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 12, Điều 17, Điều 18, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 24, Điều 25, Điều 26, Điều 27 Thông tư 32/2023/TT-BCA.

Nguyễn Ngọc Quế Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,740

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]