Các hành vi bị xem xét xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
22/09/2023 13:00 PM

Xin hỏi các hành vi bị xem xét xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức là gì? - Quỳnh Anh (Đồng Nai)

Các hành vi bị xem xét xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các hành vi bị xem xét xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức

Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 112/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 71/2023/NĐ-CP) quy định các hành vi bị xem xét xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm sau:

- Có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; 

- Những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; 

- Nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; 

- Vi phạm đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ hoặc có hành vi vi phạm khác liên quan đến hoạt động công vụ bị xử lý kỷ luật về đảng, đoàn thể.

2. Xác định mức độ của hành vi vi phạm 

Mức độ của hành vi vi phạm được xác định như sau:

- Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

- Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

- Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

- Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

(Khoản 2 Điều 6 Nghị định 112/2020/NĐ-CP)

3. Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức

- Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức, viên chức, người đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm. 

Trường hợp có hành vi vi phạm mới trong thời hạn để tính thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm mới.

- Xác định thời điểm có hành vi vi phạm:

+ Đối với hành vi vi phạm xác định được thời điểm chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm chấm dứt.

+ Đối với hành vi vi phạm chưa chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm phát hiện.

+ Đối với hành vi vi phạm không xác định được thời điểm chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm có kết luận của cấp có thẩm quyền.

- Trừ trường hợp quy định không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật, thời hiệu xử lý kỷ luật được quy định như sau:

+ 05 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách;

+ 10 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này.

- Đối với các hành vi vi phạm sau đây thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật:

+ Cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;

+ Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;

+ Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;

+ Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

- Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức hoặc từ khi cấp có thẩm quyền kết luận cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền.

Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày.

Cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật phải bảo đảm xử lý kỷ luật trong thời hạn theo quy định. Nếu hết thời hạn xử lý kỷ luật mà chưa ban hành quyết định xử lý kỷ luật thì chịu trách nhiệm về việc chậm ban hành và phải ban hành quyết định xử lý kỷ luật nếu hành vi vi phạm còn trong thời hiệu.

- Không tính vào thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật đối với:

+ Thời gian chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với các trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định này;

+ Thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự (nếu có);

+ Thời gian thực hiện khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án về quyết định xử lý kỷ luật cho đến khi ra quyết định xử lý kỷ luật thay thế.

(Điều 5 Nghị định 112/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 71/2023/NĐ-CP))

Nguyễn Ngọc Quế Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 16,635

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]