Trước tình hình này, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư đã trình Chính phủ xem xét đề xuất sửa đổi Luật Doanh nghiệp trong chương
trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội, và việc này đã được đưa vào
chương trình làm việc của kỳ họp thứ 8, khóa 13.
Ông Lê Quang Mạnh, Cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, cho biết việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này sẽ có 6 nhóm vấn đề chính
được tập trung giải quyết.
Thứ nhất là các vấn đề về thành lập doanh nghiệp, theo đó sẽ tập trung giải quyết
các vấn đề như (i) chuyển từ cơ chế “đăng ký kinh doanh” sang “đăng ký doanh
nghiệp”; (ii) luật hóa quy định về hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc
gia; (iii) xóa bỏ hoàn toàn chế độ “tiền kiểm”, đặt trọng tâm quản lý nhà nước
sang “hậu kiểm".
Thứ hai là nhóm vấn đề về thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư đối với
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, quy định giấy chứng nhận đầu
tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với tổ chức, cá nhân nước
ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam và tổ chức, cá nhân Việt Nam thành lập doanh
nghiệp gắn với dự án đầu tư đã gây ra nhiều khó khăn trong quá trình triển khai
và ghi nhận những cách thức triển khai khác nhau ở mỗi tỉnh, thành phố.
Thứ ba là nhóm vấn đề liên quan đến công khai, minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp
với mục đích là giảm bớt gánh nặng và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà
nước có liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp hoặc có trách nhiệm quản lý nhà nước
về doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.
Thứ tư là nhóm vấn đề về giải thể doanh nghiệp và dừng hoạt động của doanh nghiệp.
Theo thống kê, có hơn 135.000 doanh nghiệp dừng hoạt động mà không đăng ký với
các cơ quan quản lý nhà nước. Các quy định về giải thể và dừng hoạt động của
doanh nghiệp quy định trong Luật Doanh nghiệp chưa rõ ràng, thiếu hiệu quả và
còn phức tạp đã khiến cho doanh nghiệp ngập ngừng hoặc cố tình lảng tránh thực
hiện việc đăng ký giải thể doanh nghiệp của mình, còn các cơ quan quản lý nhà
nước rơi vào tình trạng khó quản lý và giám sát doanh nghiệp.
Thứ năm là nhóm vấn đề liên quan đến mua bán, sáp nhập và tổ chức lại doanh
nghiệp. Việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, chuyển đổi và tổ chức lại doanh
nghiệp là một khuynh hướng đang phát triển trên thế giới và tại Việt Nam. Thực
tế, đây là nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động nhất
là trong bối cảnh suy thoái kinh tế và việc thu hút nguồn lực đầu tư đang ngày
càng khó khăn.
Thứ sáu là nhóm vấn đề về khung quản trị doanh nghiệp, một trong những nội dung
thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp do những quy định này có liên
quan trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm của các cá nhân tham gia trong doanh
nghiệp và là nguyên nhân của các tranh chấp nội bộ.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông, Luật
Doanh nghiệp đã “tạo nên một bước tiến dài trong hoàn thiện pháp luật về doanh
nghiệp nói chung và quản trị doanh nghiệp nói riêng”.
Tuy nhiên, luật cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định cần phải được sửa đổi, bổ
sung nhằm tạo lập môi trường kinh doanh đầu tư hấp dẫn hơn nữa tại Việt Nam.
“Việc sửa đổi, bổ sung luật này là một tất yếu nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực
và tạo môi trường kinh doanh đầu tư hấp dẫn hơn cho doanh nghiệp”, ông Đông
nói.
Anh Minh
Theo VnEconomy