Quyết định 364/QĐ-CA: Công bố thêm 07 án lệ (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Ngày 01/10/2023, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quyết định 364/QĐ-CA về việc công bố án lệ.
Theo đó, công bố 07 án lệ đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua sau đây:
- Án lệ số 64/2023/AL về định khung hình phạt và tình tiết định khung tăng nặng "có tổ chức" trong tội "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản"
- Án lệ số 65/2023/AL về truy cứu trách nhiệm hình sự tội "Mua bán người".
- Án lệ số 66/2023/AL về việc xác định tội danh "Mua bán người"
- Án lệ số 67/2023/Al về người được nhận hiện vật khi chia tài sản chung.
- Án lệ số 68/2023 về quyền nhận di sản bằng hiện vật là nhà ở của người thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
- Án lệ số 69/2023/AL về thẩm quyền của Trọng tài thương mại trong việc giải quyết tranh chấp thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh.
- Án lệ số 70/2023/AL về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách.
Như vậy, tính đến hiện tại thì Việt Nam đã có tổng cộng 70 án lệ.
>>> Xem thêm: Tổng hợp toàn bộ 70 án lệ tại Việt Nam
Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.
(Điều 1 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP)
Án lệ được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:
- Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể;
- Có tính chuẩn mực;
- Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
(Điều 2 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP)
- Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố.
- Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án.
- Trường hợp Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc thì số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”; tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự.
(Điều 8 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP)
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để thảo luận, biểu quyết thông qua án lệ.
- Án lệ được xem xét thông qua khi thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Được phát triển từ bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án và đã được lấy ý kiến theo hướng dẫn tại Điều 4 và Điều 5 của Nghị quyết này;
+ Được Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đề xuất;
+ Được Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao đề xuất;
+ Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.
- Phiên họp Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được quá nửa tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành.
- Kết quả biểu quyết phải được ghi vào biên bản phiên họp lựa chọn, thông qua án lệ của Hội đồng Thẩm phán và là căn cứ để Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố án lệ.
(Điều 6 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP)