Giải đáp 09 vướng mắc xét xử liên quan đến hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Hình từ internet)
Ngày 03/10/2023, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn 196/TANDTC-PC thông báo kết quả giải đáp trực tuyến vướng mắc trong công tác xét xử.
Vướng mắc 1:
Trong thời hạn chuẩn bị ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành (15 ngày kể từ ngày Tòa án nhận được biên bản và tài liệu kèm theo), Thẩm phán có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp cho Tòa án tài liệu làm cơ sở cho việc ra quyết định. Trường hợp hết thời hạn 15 ngày mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chưa cung cấp tài liệu cho Tòa án thì giải quyết thế nào? |
Khoản 2 Điều 32 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định:
“Thời hạn chuẩn bị ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành là 15 ngày kể từ ngày Tòa án nhận được biên bản và tài liệu kèm theo. Trong thời hạn này, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công xem xét ra quyết định có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu một hoặc các bên trình bày ý kiến về kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đã được ghi tại biên bản;
b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp cho Tòa án tài liệu làm cơ sở cho việc ra quyết định, nếu xét thấy cần thiết. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được Tòa án yêu cầu có trách nhiệm trả lời Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án”.
Do vậy, trong thời hạn chuẩn bị ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành, Thẩm phán phải chủ động theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu cho Tòa án. Hết thời hạn 15 ngày thì Thẩm phán căn cứ vào các tài liệu đã có để ra một trong các quyết định quy định tại khoản 3 Điều 32 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Vướng mắc 2
Trường hợp vụ việc đủ điều kiện để hòa giải, đối thoại theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư số 03/2020/TT-TANDTC ngày 16/11/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết khoản 1, 2 và 3 Điều 16 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhưng đơn khởi kiện, đơn yêu cầu không có đủ các nội dung quy định tại Điều 189 và Điều 362 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 118 Luật Tố tụng hành chính thì Tòa án có ra thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện trước khi thực hiện thủ tục thông báo cho người khởi kiện, người yêu cầu biết về quyền được lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên theo quy định tại Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án hay không? Thời hạn nhận đơn và xử lý đơn theo quy định của các luật tố tụng hay Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án? |
Điều 2 Thông tư 03/2020/TT-TANDTC quy định chi tiết khoản 1, 2 và 3 Điều 16 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:
“1. Khi nhận được đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính kèm theo tài liệu, chứng cứ theo quy định tại Điều 190 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 119 của Luật Tố tụng hành chính, Tòa án ghi vào sổ nhận đơn, xác nhận việc nhận đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 191 của Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 1 Điều 121 của Luật Tố tụng hành chính.
2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều này, bộ phận tiếp nhận đơn xem xét đơn và báo cáo để Chánh án xử lý đơn như sau:
a) Phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính nếu vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 4, 5, 6 và 7 Điều 19 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; các điểm a, b, c, đ và g khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự; các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 123, điểm g khoản 1 Điều 143 của Luật Tố tụng hành chính;
b) Thực hiện thủ tục thông báo cho người khởi kiện, người yêu cầu biết về quyền được lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên theo quy định tại Điều 3 của Thông tư này nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này”.
Như vậy, sau khi nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 03/2020/TT-TANDTC thì bộ phận tiếp nhận đơn xem xét đơn và báo cáo để Chánh án Tòa án thực hiện thủ tục thông báo cho người khởi kiện, người yêu cầu biết về quyền được lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên theo quy định tại Điều 3 Thông tư 03/2020/TT-TANDTC nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Thông tư 03/2020/TT-TANDTC. Tòa án không phải ra thông báo sửa đổi, bổ sung đơn đối với trường hợp không có đủ các nội dung quy định tại Điều 189 và Điều 362 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 118 Luật Tố tụng hành chính. Việc sửa đổi, bổ sung đơn có thể được tiến hành trong quá trình Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại.
Thời hạn nhận đơn và xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu trong trường hợp này được thực theo quy định tại Điều 16 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Điều 2 Thông tư 03/2020/TT-TANDTC.
Vướng mắc 3
Khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành mà các bên không yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành thì kết quả này có giá trị cưỡng chế thi hành không? Trường hợp này, Tòa án cần xử lý như thế nào? |
Tòa án xem xét công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành khi có yêu cầu của các bên theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Trường hợp các bên không yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành thì kết quả hòa giải thành, đối thoại thành không có giá trị cưỡng chế thi hành đối với các bên.
Do vậy, tại phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại, Hòa giải viên cần giải thích cho các bên về giá trị của quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành để các bên cân nhắc về việc yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.
Vướng mắc 4
Thẩm phán có được ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong thời hạn chuẩn bị ra quyết định (15 ngày kể từ ngày Tòa án nhận được biên bản và tài liệu kèm theo), hay phải chờ hết thời hạn này thì Thẩm phán mới được quyền ra quyết định? |
Điều 32 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định như sau:
“2. Thời hạn chuẩn bị ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành là 15 ngày kể từ ngày Tòa án nhận được biên bản và tài liệu kèm theo. Trong thời hạn này, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công xem xét ra quyết định có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu một hoặc các bên trình bày ý kiến về kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đã được ghi tại biên bản;
b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp cho Tòa án tài liệu làm cơ sở cho việc ra quyết định, nếu xét thấy cần thiết. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được Tòa án yêu cầu có trách nhiệm trả lời Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án.
3. Hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, Thẩm phán phải ra một trong các quyết định sau đây:
a) Trường hợp có đủ điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này thì Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành;
b) Trường hợp không có đủ điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này thì Thẩm phán ra quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành và nêu rõ lý do. Thẩm phán chuyển quyết định, biên bản và tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật về tố tụng”.
Như vậy, theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì hết thời hạn chuẩn bị ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành (15 ngày kể từ ngày Tòa án nhận được biên bản và tài liệu kèm theo), Thẩm phán phải ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành. Trường hợp các bên có đề nghị bằng văn bản thì Thẩm phán có quyền ra quyết định vào bất cứ thời điểm nào trong thời hạn chuẩn bị ra quyết định.
Vướng mắc 5
Hòa giải viên có quyền yêu cầu các bên cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp, khiếu kiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Vậy, Hòa giải viên thực hiện quyền này như thế nào? Hòa giải viên có được xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định tại Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 84 Luật Tố tụng hành chính hay không? |
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì Hòa giải viên có quyền yêu cầu các bên cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp, khiếu kiện. Khoản 6 Điều 3 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định: “Phương thức hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc”.
Vì vậy, Hòa giải viên có thể yêu cầu các bên cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp, khiếu kiện bằng văn bản (thông báo) hoặc hình thức khác (qua điện thoại, gmail, zalo ...). Hòa giải viên không xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định tại Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 84 Luật Tố tụng hành chính.
Vướng mắc 6
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì Hòa giải viên có quyền mời người có uy tín tham gia hòa giải, đối thoại. Vậy, người có uy tín được xác định như thế nào? Người có uy tín được mời tham gia hòa giải, đối thoại có được nghiên cứu hồ sơ vụ việc trước khi tham gia hòa giải, đối thoại hay không? |
Theo quy định tại khoản 7 Điều 21 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì Hòa giải viên có quyền mời người có uy tín có khả năng tác động đến mỗi bên tham gia hòa giải, đối thoại để hỗ trợ cho việc hòa giải, đối thoại khi cần thiết.
Người có uy tín là người có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng tích cực đến một hoặc các bên tham gia hòa giải, đối thoại, được bên tham gia hòa giải, đối thoại đó tôn trọng, tín nhiệm và tin tưởng. Người có uy tín được mời tham gia hòa giải, đối thoại có thể là người thân thích của người tham gia hòa giải, đối thoại, già làng, trưởng thôn, trưởng dòng họ, người có chức sắc tôn giáo. Người có uy tín không nghiên cứu hồ sơ vụ việc trước khi tham gia hòa giải, đối thoại.
Vướng mắc 7
Tại biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại, các bên đã yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành. Tuy nhiên, trong quá trình Tòa án xem xét để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành thì một bên tham gia hòa giải, đối thoại có yêu cầu thay đổi thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành thì Tòa án xử lý như thế nào? |
Khoản 1 Điều 32 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định:
“Sau khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại, Hòa giải viên chuyển biên bản cùng tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong trường hợp các bên có yêu cầu”.
Khoản 3 Điều 33 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định:
“Nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.
Theo các quy định nêu trên, Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành khi có yêu cầu của các bên và nội dung thỏa thuận thống nhất của các bên là hoàn toàn tự nguyện. Do vậy, khi Tòa án chưa ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành mà một trong các bên có yêu cầu thay đổi thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành thì Tòa án không ra quyết định.
Vướng mắc 8
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định 16/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp, việc quản lý, sử dụng chi phí hoà giải, đối thoại tại Toà án và thù lao Hoà giải viên tại Toà án đối với các vụ, việc chấm dứt hoà giải, đối thoại theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì mức thù lao cho Hoà giải viên là từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng/vụ việc. Vậy, Tòa án ấn định mức thù lao đối với từng vụ việc cụ thể như thế nào? |
Vấn đề này đã được hướng dẫn chi tiết tại tiểu mục 3.1 Mục 3 Công văn 68/TANDTC-KHTC ngày 30/3/2021 hướng dẫn một số vấn đề về tài chính trong triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Xuất phát từ thực tiễn có nhiều trường hợp chấm dứt hòa giải, đối thoại mà không đạt kết quả hòa giải thành, đối thoại thành, như: trường hợp vừa mở phiên hòa giải, đối thoại đã chấm dứt; trường hợp Hòa giải viên đã nỗ lực hòa giải, đối thoại trong thời gian dài, nhiều phiên, có sự tham gia của người có uy tín, Hòa giải viên đã tham khảo ý kiến của cơ quan có chuyên môn; trường hợp tài sản nằm ngoài phạm vi địa giới của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở ... Do đó, việc xác định mức thù lao trong một số trường hợp cụ thể là do quyền chủ động đánh giá của Chánh án Tòa án nơi tiến hành hòa giải, đối thoại.
Vướng mắc 9
Khi tiến hành phiên hoà giải, đối thoại theo Điều 25 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì Hòa giải viên có được lập biên bản hòa giải, đối thoại sau mỗi phiên hòa giải, đối thoại hay không? |
Khoản 2 Điều 4 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định:
“Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại Điều 31 của Luật này. Hòa giải viên, các bên chỉ được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép”.
Khoản 3 Điều 41 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định:
“Hòa giải viên lập biên bản chấm dứt việc hòa giải, đối thoại đối với trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 40 của Luật này...”.
Như vậy, Hòa giải viên lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành với các nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 31 hoặc biên bản chấm dứt hòa giải, đối thoại theo quy định tại khoản 3 Điều 41 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Ngoài ra, trong quá trình hòa giải, đối thoại, Hòa giải viên có quyền ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và bảo mật nội dung ghi chép.
Xem thêm chi tiết Công văn 196/TANDTC-PC ban hành ngày 03/10/2023.
Hồ Quốc Tuấn