Trụ sở nhiều tỉnh to như cung điện

20/09/2013 08:43 AM

“Trụ sở là nơi phục vụ nhân dân chứ không phải cung điện, không phải nơi tham quan... Kể cả trụ sở của Đảng ủy nhiều tỉnh cũng phản cảm lắm, xây dựng lộng lẫy, xa hoa” - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước bức xúc

Ngày 19-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013.

Lãng phí bao nhiêu, sao không nêu?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 Ảnh: TTXVN

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Bảy tháng đầu năm 2013, Chính phủ đã tiết kiệm được trên 16.000 tỉ đồng. Trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, năm 2013, có 11 tập đoàn và 88 tổng công ty đã xây dựng, đăng ký kế hoạch tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh và tiết giảm chi phí quản lý với tổng số tiền 11.816 tỉ đồng.

Là cơ quan thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, ông Phùng Quốc Hiển, chỉ ra 7 vấn đề nhức nhối, trong đó có tình trạng lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản.... còn nghiêm trọng; việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản của doanh nghiệp nhà nước có chuyển biến song chưa đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu.

Phó Chủ tịch QH, ông Huỳnh Ngọc Sơn, nghi ngại báo cáo “lạm dụng” nhiều cụm từ mạnh mẽ quá trong khi năm 2013 mới trôi qua hơn 8 tháng và vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn. “Dự án cầu Nhật Tân, đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai vướng giải phóng mặt bằng, càng để lâu càng lãng phí. Thực tế còn khó khăn lắm, không đơn giản như báo cáo các đồng chí nêu đâu!” - ông Sơn nói thẳng.

Tán đồng, ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, cho rằng báo cáo kể thành tích tiết kiệm được trên 16.000 tỉ đồng nhưng lãng phí bao nhiêu thì không thấy thống kê. Ông Phước dẫn chứng việc thực hiện một số nghị quyết của QH và quyết định của Chính phủ trong 2 năm 2012, 2013 dẫn đến nhiều dự án phải tạm dừng, cả ngàn tỉ đồng đầu tư phơi mưa nắng. Hệ quả này là trách nhiệm của Chính phủ và cả QH khi đề nghị đình chỉ hay hoãn các dự án bởi vừa mất trắng tiền đầu tư vừa không có công trình để sử dụng.

Chưa hết, theo ông Ksor Phước, nhiều dự án hạ tầng sử dụng ngân sách quốc gia cũng còn lắm vấn đề. Chẳng hạn, ngay ngã tư Đê La Thành - Hào Nam (quận Đống Đa, TP Hà Nội) có đường sắt trên cao, đường bộ và đường điện. Ba công trình không thông với nhau dẫn đến công trình này mọc lên thì phải đập công trình khác. Cùng với đó là nạn phá rừng, rút ruột tài nguyên cũng chưa được đánh giá đầy đủ. Đặc biệt, báo cáo chưa làm rõ được trách nhiệm người đứng đầu, địa chỉ lãng phí để xử lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chê các chương trình mục tiêu quốc gia không hiệu quả mà điển hình là dự án năng lượng mặt trời do Ủy ban Dân tộc và Miền núi làm chủ đầu tư (vốn vay ưu đãi 7 triệu USD) để “đắp chiếu”. “Bộ Tài chính “gác cổng” cho Chính phủ mà không dám nói thì phải chịu trách nhiệm trước QH. Không làm được thì để người khác làm. Chứ cứ tình cảm, du di là việc chung hỏng” - ông Phước bày tỏ.

Tiếp lời, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH, ông Nguyễn Kim Khoa, lo ngại: “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia cũng có vấn đề nên cần đánh giá giá trị của chương trình, dự án xuống người dân như thế nào? Đầu tư nhiều mà chưa hiệu quả là lãng phí!”.

Phải chỉ rõ những nơi gây lãng phí

Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng công tác quản lý, sử dụng đất còn nhiều hạn chế. Tình trạng để đất hoang hóa, quy hoạch treo xử lý chậm ở một số địa phương.

Trong khi đó, ông Ksor Phước phê thẳng báo cáo ở “mức độ” có hạn, chưa thấy hết vấn đề quản lý sử dụng đất đai hiện nay, đồng thời phải chỉ đích danh những cơ quan đơn vị, ngành và địa phương nào còn lãng phí.

“Tôi đi một số tỉnh, thấy trụ sở rộng mênh mông, thoải mái như công viên. Vậy chuẩn mực đối với vấn đề đất cho trụ sở thế nào?” - ông Phước băn khoăn. Cũng theo ông Phước, không chỉ lãng phí đất đai, trụ sở nhiều tỉnh, thành xây to như cung điện. “Trụ sở là nơi phục vụ nhân dân chứ không phải cung điện, không phải nơi tham quan. Tôi không tiện nêu đích danh, kể cả trụ sở của Đảng ủy nhiều tỉnh làm phản cảm lắm, xây dựng lộng lẫy, xa hoa. Tôi đề nghị phải công khai, kể cả trụ sở tỉnh ủy. Ta làm vậy là để bảo vệ tổ chức Đảng, bảo vệ niềm tin với nhân dân” - ông Phước nói thẳng. Ông Ksor Phước còn đề nghị Bộ Tài chính phải có quy chuẩn chung về diện tích đất công sở của cơ quan nhà nước để có cơ chế giám sát, tránh việc mỗi tỉnh làm một phách.

Tiếp tục vẽ bức tranh lãng phí, ông Ksor Phước chỉ thẳng vào việc không ít xe sang đeo biển xanh và đề nghị Bộ Tài chính phải có cơ chế quản chặt. “Phải sòng phẳng, kiên quyết, không tha ông nào!” - ông Phước nêu quan điểm.

Tổng kết, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhìn nhận Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng cần cân nhắc đánh giá giữa mặt được và chưa được. Bà Ngân yêu cầu báo cáo phải chỉ ra cụ thể địa phương, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức lãng phí đất đai, nguồn lực… để đại biểu QH, người dân giám sát”.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2013, các cấp, các ngành đã triển khai 1.353 cuộc thanh tra quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 1.290 tỉ đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 94 tập thể, 376 cá nhân có vi phạm.

Chưa quy trách nhiệm bảo vệ môi trường

Cùng ngày, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được trình UBTVQH cho ý kiến.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Hạn chế lớn trong bảo vệ môi trường hiện nay là chế độ trách nhiệm. “Phải quy định rõ việc xử lý trách nhiệm. Quản lý không tốt, dẫn đến ô nhiễm môi trường sẽ xử lý thế nào; cấp phép lung tung để người ta phá hoại môi trường thì trách nhiệm thế nào? Những vi phạm thấy rõ mà không chịu giải quyết thì trách nhiệm đến đâu?” - ông nói.

Thế Dũng

Theo Người lao động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,987

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]