Hòa giải viên hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức kinh doanh

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
28/10/2023 16:30 PM

Xin cho tôi hỏi hòa giải viên hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức kinh doanh được quy định thế nào? - Hoài Nhân (Đồng Nai)

Hòa giải viên hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức kinh doanh

Hòa giải viên hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức kinh doanh (Hình từ internet)

Ngày 20/6/2023, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

1. Hòa giải viên hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức kinh doanh

Theo Điều 64 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định hòa giải viên hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh bao gồm:

(1) Hòa giải viên theo quy định của pháp luật về hòa giải có liên quan;

(2) Hòa giải viên thuộc tổ chức quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 63 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 là công dân Việt Nam đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, có uy tín;

- Có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật khác có liên quan;

- Không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích.

(3) Trường hợp tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh mà có người dân tộc thiểu số thì phải có ít nhất 01 hòa giải viên là người dân tộc thiểu số hoặc là người sử dụng thông thạo tiếng của dân tộc thiểu số đó.

Trường hợp không có hòa giải viên đáp ứng yêu cầu tại khoản 3 Điều 64 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 thì các bên tham gia hòa giải tự bố trí phiên dịch hoặc đề nghị hòa giải viên bố trí phiên dịch, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2. Quy định về kết quả hòa giải thành giữa người tiêu dùng và tổ chức kinh doanh

Căn cứ theo Điều 65 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định về kết quả hòa giải thành giữa người tiêu dùng và tổ chức kinh doanh như sau:

- Khi đạt được kết quả hòa giải thành, các bên lập văn bản về kết quả hòa giải thành.

- Văn bản về kết quả hòa giải thành đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 63 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 phải có các nội dung sau đây:

+ Tổ chức, cá nhân tiến hành hòa giải;

+ Các bên tham gia hòa giải;

+ Thời gian, địa điểm tiến hành hòa giải;

+ Nội dung hòa giải;

+ Ý kiến của các bên tham gia hòa giải;

+ Kết quả hòa giải và giải pháp thực hiện;

+ Thời hạn thực hiện kết quả hòa giải thành;

+ Nội dung khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.

- Văn bản về kết quả hòa giải phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia hòa giải, có chữ ký xác nhận của cá nhân tiến hành hòa giải và đóng dấu xác nhận của tổ chức tiến hành hòa giải (nếu có).

3. Quy định về thực hiện và công nhận kết quả hòa giải thành giữa người tiêu dùng và tổ chức kinh doanh

Cụ thể tại Điều 66 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định về thực hiện và công nhận kết quả hòa giải thành giữa người tiêu dùng và tổ chức kinh doanh như sau:

- Các bên tham gia hòa giải có trách nhiệm thực hiện kết quả hòa giải thành trong thời hạn đã thỏa thuận trong văn bản về kết quả hòa giải thành.

- Một trong các bên tham gia hòa giải có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành.

- Việc yêu cầu và công nhận kết quả hòa giải thành thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Xem thêm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, thay thế Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,025

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]