Thủ tục tiếp nhận thông tin phục vụ phòng chống tham nhũng tại TPHCM

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
03/11/2023 18:15 PM

Xin cho tôi hỏi thủ tục tiếp nhận thông tin phục vụ phòng chống tham nhũng tại TPHCM được quy định thế nào? - Quốc Thuận (TPHCM)

Thủ tục tiếp nhận thông tin phục vụ phòng chống tham nhũng tại TPHCM

Thủ tục tiếp nhận thông tin phục vụ phòng chống tham nhũng tại TPHCM (Hình từ internet)

Ngày 26/10/2023, Thành ủy TPHCM ban hành Quy định 1629-QĐ/TU về việc mua tin và xử lý thông tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn TPHCM.

Quy định 1629-QĐ/TU năm 2023​

1. Thủ tục tiếp nhận thông tin phục vụ phòng chống tham nhũng tại TPHCM

(1) Người cung cấp thông tin cho Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố bằng các hình thức sau:

- Cung cấp thông tin trực tiếp: người cung cấp thông tin trực tiếp phản ánh, cung cấp thông tin cho Ban Chỉ đạo, các Thành viên Ban Chỉ đạo và bộ phận tiếp nhận thông tin của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tại trụ sở làm việc hoặc địa điểm phù hợp. 

- Cung cấp thông tin gián tiếp:

+ Bằng văn bản qua đường bưu điện;

+  Qua hộp thư điện tử của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (Ban Nội chính Thành ủy): [email protected]

- Thông tin liên hệ với Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo:

+ Trụ sở Ban Tiếp công dân Thành phố Hồ Chí Minh: số 15 đường Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh (đại diện Ban Nội chính Thành ủy - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp nhận, xử lý).

+ Trụ sở làm việc của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo (Ban Nội chính Thành ủy); Số 137 Trương Định, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. 

(2) Việc tiếp nhận thông tin của người cung cấp tin phải theo nguyên tắc “đơn tuyến”, nghĩa là người cung cấp thông tin chỉ gặp gỡ, trao đổi, làm việc, cung Cấp thông tin trực tiếp cho người tiếp nhận thông tin, không thông qua trung gian.

Danh tính của người cung cấp thông tin phải được ký hiệu bằng mã sổ (gồm 01 chữ cái M - viết tắt của chữ “MẬT” và sổ thứ tự tin mua, ví dụ: M001 - nghĩa là tin mua đầu tiên) trước khi báo cáo cấp trên hoặc gọi tên trong các văn bản khác và được lưu vào sổ theo dõi mua tín (Mẫu sổ theo dõi như Phụ lục 03 đính kèm).

(3) Sau khi tiếp nhận và xử lý thông tin, Thủ trưởng Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định theo một trong các hướng sau: 

-  Trường hợp không thụ lý: Sẽ hoàn trả các văn bản, tài liệu hoặc lưu văn bản, tài liệu và thông báo cho người cung cấp thông tin biết lý do.

-  Trường hợp thụ lý cần xác minh làm rõ:

+ Thủ trưởng Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo giao trực tiếp đầu mối làm việc với người cung cấp thông tin, đầu mối thẩm tra, xác minh, xử lý thông tin; khi tiếp nhận thông tin phải lập biên bản (Mẫu biên bản làm việc như Phụ lục 01 đính kèm) và ghi vào sổ tiếp nhận thông tin theo quy định. Quá trình làm việc phải tuyệt đối giữ bí mật về thông tin có liên quan đến người cung cấp thông tin, không được tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin khác liên quan đến người cung cấp thông tin; các thông tin, tài liệu tiếp nhận, chỉ được phép báo cáo trực tiếp với đồng chí Thủ trưởng Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo hoặc Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy phụ trách trực tiếp. Tùy theo nội dung thông tin, tài liệu, tính chất của vụ việc để đề xuất thẩm tra, xác minh ban đầu và xử lý thông tin theo đúng quy định.

+ Trên cơ sở kết quả xác minh sơ bộ, bộ phận nghiệp vụ có trách nhiệm tham mưu Thủ trưởng Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và xử lý theo quy định; kết quả giải quyết, xử lý của các cơ quan có thẩm quyền là căn cứ thực hiện chi trả cho người cung cấp thông tin theo quy định tại khoản 2, Điều 10 Quy định 1629-QĐ/TU năm 2023.

(Điều 8 Quy định 1629-QĐ/TU năm 2023)

2. Nguyên tắc tiếp nhận thông tin phòng chống tham nhũng tại TPHCM

- Việc tiếp nhận, xử lý thông tin và mua tin phải đảm bảo bí mật, kịp thời, chính xác, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

- Bảo đảm bí mật, an toàn cho người cung cấp thông tin theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tố cáo, người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

- Các thông tin, tài liệu của người cung cấp thông tin phải được thẩm tra, xác minh, sử dụng, quản lý hiệu quả, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

- Việc quản lý và sử dụng kinh phí mua tin phải đảm bảo đúng nguyên tắc, thủ tục tài chính, quy định về chế độ bảo mật của Đảng và Nhà nước; hồ sơ, tài liệu, chứng từ phải quản lý và lưu trữ đầy đủ theo đúng quy định hiện hành của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

- Những trường họp chi mua tin trái với Quy định 1629-QĐ/TU ngày 26/10/2023 sẽ bị xuất toán và truy thu. Cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm phải bồi thường, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

(Điều 3 Quy định 1629-QĐ/TU năm 2023)

Xem thêm Quy định 1629-QĐ/TU ngày 26/10/2023 có hiệu lực từ ngày 26/10/2023 cho đến khi có quy định mua tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Trung ương.

* Lưu ý: Mua tin không phải là một giao dịch dân sự; đây được xem là hình thức khuyến khích, động viên đối với người cung cấp thông tin có giá trị, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Khoản 4 Điều 2 Quy định 1629-QĐ/TU năm 2023).

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,629

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]