Đề xuất trường hợp vay vốn ngân hàng không phải giao dịch liên kết (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Công văn 12094/BTC-TCT 2023 |
Ngày 23/11/2023, Bộ Tài chính ban hành Công văn 12094/BTC-TCT về việc lấy ý kiến về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Hiện nay, điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định:
- Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay;
Theo đó, có thể hiểu, trường hợp doanh nghiệp vay vốn ngân hàng đáp ứng đồng thời 02 điều kiện sau thì được xác định là giao dịch liên kết:
- Vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu doanh nghiệp đi vay;
- Vốn vay hiếm trên 50% tổng các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.
Tuy nhiên, cũng theo khoản 1 Điều Điều 5 Nghị định 132/2020/NĐ-CP, các bên có quan hệ liên kết phải là các bên có mối quan hệ thuộc 01 trong các trường hợp:
- Một bên tham gia trực tiếp/gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn/đầu tư vào bên kia;
- Các bên trực tiếp/gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn/đầu tư của một bên khác.
Như vậy, có thể thấy việc xác định quan hệ liên kết theo vốn vay trong trường hợp vay vốn ngân hàng, tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng nhưng các tổ chức này không có sự điều hành, kiểm soát, góp vốn, quyết định đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đi vay thì trong trường hợp này xét theo nguyên tắc bản chất quyết định hình thức thì không phải là các bên có quan hệ liên kết.
Do đó, để đảm bảo quy định chi tiết tại khoản 2 thống nhất với khoản 1 Điều 5 Nghị định 132/2020/NĐ-CP và phù hợp với thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu vay vốn cao phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đã đề xuất loại trừ việc xác định quan hệ liên kết đối với trường hợp:
Tổ chức tín dụng, tổ chức khác có chức năng hoạt động ngân hàng (không tham gia điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào doanh nghiệp đi vay hoặc doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, tổ chức khác có chức năng hoạt động ngân hàng không chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác) bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.
Theo điểm a khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP, tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế;
Theo đó, nếu không phải xác định giao dịch liên kết trong trường hợp vay vốn ngân hàng nêu tại mục 1 thì doanh nghiệp cũng sẽ không bị khống chế chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.