Bổ sung mã đối tượng của nhóm do người sử dụng lao động đóng trên thẻ BHYT

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
30/11/2023 11:15 AM

Tôi muốn biết các mã đối tượng nào của nhóm do người sử dụng lao động đóng trên thẻ BHYT sẽ được bổ sung? – Tâm Đức (Bình Dương)

Bổ sung mã đối tượng của nhóm do người sử dụng lao động đóng trên thẻ BHYT

Bổ sung mã đối tượng của nhóm do người sử dụng lao động đóng trên thẻ BHYT (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 27/11/2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Quyết định 1697/QĐ-BHXH sửa đổi mã số ghi trên thẻ bảo hiểm y tế tại Quyết định 1351/QĐ-BHXH năm 2015.

Bổ sung mã đối tượng của nhóm do người sử dụng lao động đóng trên thẻ BHYT

Cụ thể, Quyết định 1697/QĐ-BHXH bổ sung mã đối tượng của nhóm do người sử dụng lao động đóng trên thẻ BHYT như sau:

- TV: Thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội (trừ đối tượng tại các Điều 1, 2, 3 và 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP) quy định tại khoản 1, Điều 6 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.

Cụ thể thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội bao gồm:

+ Cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng;

+ Vợ hoặc chồng;

+ Con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học phổ thông.

- TD: Thân nhân của công nhân công an đang phục vụ trong Công an nhân dân (trừ đối tượng tại các Điều 1, 2, 3 và 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP) quy định tại khoản 2, Điều 6 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.

Cụ thể thân nhân của công nhân công an đang phục vụ trong Công an nhân dân bao gồm:

+ Cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng;

+ Vợ hoặc chồng;

+ Con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học phổ thông.

- TU: Thân nhân của người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu (trừ đối tượng tại các Điều 1, 2, 3 và 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP) quy định tại khoản 3, Điều 6 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.

Cụ thể thân nhân của người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu, bao gồm:

+ Cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng;

+ Vợ hoặc chồng;

+ Con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học phổ thông.

Quy định về mức đóng bảo hiểm y tế thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng

Theo Điều 3 Thông tư 143/2020/TT-BQP, mức đóng bảo hiểm y tế thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng được quy định như sau:

(1) Đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 143/2020/TT-BQP.

- Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng theo ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định), hoặc 4,5% tiền lương tháng ghi trong hợp đồng lao động (đối với người lao động hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của người sử dụng lao động); trong đó, người sử dụng lao động đóng 2/3, người lao động đóng 1/3.

- Trong thời gian người lao động bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì mức đóng hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng của người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người lao động phải truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh.

- Trong thời gian được cử đi học tập, công tác hoặc lao động tại nước ngoài thì không phải đóng bảo hiểm y tế; thời gian trên được tính là thời gian tham gia bảo hiểm y tế cho đến ngày có quyết định trở lại làm việc của cơ quan, tổ chức cử đi;

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh về nước, trường hợp tham gia bảo hiểm y tế thì toàn bộ thời gian được cử đi học tập, công tác hoặc lao động tại nước ngoài và thời gian kể từ khi về nước đến thời điểm tham gia bảo hiểm y tế được tính là thời gian tham gia bảo hiểm y tế liên tục.

- Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế.

(2) Đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 143/2020/TT-BQP: Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở và do ngân sách nhà nước đóng.

(3) Đối với đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 143/2020/TT-BQP: Mức đóng hàng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở.

(4) Đối với đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 1 Thông tư 143/2020/TT-BQP: Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở.

Đối với đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thì do ngân sách nhà nước đảm bảo; đối với đơn vị sự nghiệp công lập thì sử dụng kinh phí của đơn vị theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; đối với doanh nghiệp thì sử dụng kinh phí của doanh nghiệp.

Quyết định 1697/QĐ-BHXH có hiệu lực thi hành từ ngày 03/12/2023.

Trong đó:

(i) Quy định tại: tiết a và g khoản 1 Điều 1 Quyết định 1697/QĐ-BHXH được áp dụng từ ngày 19/10/2023.

(ii) Quy định tại tiết c và e khoản 1 Điều 1 Quyết định 1697/QĐ-BHXH được áp dụng từ ngày 15/02/2022.

(iii) Quy định tại các khoản 1 Điều 1 Quyết định 1697/QĐ-BHXH (trừ các quy định áp dụng tại (i), (ii)) được áp dụng từ ngày 01/12/2018.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 833

Bài viết về

Bảo hiểm y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]