Là 2 địa phương có những vụ cháy nổ lớn xảy ra trong thời gian gần đây gây hậu quả lớn nhưng trong buổi thảo luận, ĐBQH của 2 địa phương này “im lặng”.
Hải Dương, Phú Thọ “im lặng”
Đến gần cuối buổi thảo luận, ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) đứng lên phát biểu ý kiến. Ông Phúc cho rằng vụ cháy tại Trung tâm thương mại TP Hải Dương vừa qua cũng như vụ nổ kho thuốc pháo hoa ở Phú Thọ là những vụ cháy nổ điển hình, gây hậu quả lớn, cho thấy tình hình cháy nổ hiện nay đã thay đổi so với thời kỳ trước (theo chiều hướng phức tạp hơn).
Ông Phúc cũng bày tỏ mong muốn rằng tại hội trường, ĐBQH 2 tỉnh Hải Dương, Phú Thọ cần thẳng thắn trao đổi về các vụ việc trên để cử tri hiểu thấu đáo hơn về thực tế công tác PCCC.
“Cử tri mong muốn được gửi tâm tư tới QH nhưng chưa thấy 2 đoàn trao đổi gì”, ông Phúc nói. Ý kiến của ông Phúc khiến hội trường xôn xao bởi trước đó các phát biểu, đóng góp của các ĐB khác thiên nhiều về khía cạnh kỹ thuật, chưa đưa ra những ví dụ thực tế để làm cơ sở góp ý cho dự thảo luật sửa đổi.
ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) thì cho biết hiện nay không phải người dân nào cũng nhớ số điện thoại báo cháy, các số điện thoại cần gọi trong tình huống khẩn cấp thì gần giống nhau (113, 114, 115), trong lúc hoảng loạn người dân không thể nhớ ra là cần gọi số nào.
ĐB Nguyễn Anh Sơn đề nghị giao Chính phủ quy định về PCCC đối với điện hạt nhân.
Ông lấy ví dụ vụ chìm tàu Cần Giờ vừa qua tại TP HCM: “Trong lúc hoảng loạn người dân chỉ biết gọi cho người thân chứ không biết gọi cho cứu nạn, cứu hộ theo số nào, còn người thân cũng không biết gọi cho lực lượng nào”.
Do đó, ông Cường đề nghị Chính phủ nên quy định chỉ có 1 số điện thoại duy nhất để người dân gọi trong trường hợp khẩn cấp và số điện thoại này phải thật dễ nhớ. Trung tâm quản lý số điện thoại này sẽ có nhiệm vụ báo đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý vụ việc. Ông Cường cũng đề nghị phải luật hóa số điện thoại báo cháy trên toàn quốc.
ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) thì cho biết hiện nay không phải người dân nào cũng nhớ số điện thoại báo cháy.
Vấn đề đảm bảo an toàn PCCC cho nhà máy điện hạt nhân cũng thu hút sự quan tâm của nhiều ĐB. ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nên giao Chính phủ ban hành quy định cụ thể, chi tiết về PCCC đối với nhà máy điện hạt nhân.
Ngoài ra, cần thay đổi, chỉnh lý quy định PCCC cho nhà máy điện hạt nhân bằng “cơ sở hạt nhân” (bao gồm cả nhà máy sản xuất nguyên liệu, khu vực nghiên cứu…) và có quy định cụ thể về yêu cầu xây dựng hạ tầng, nhân lực và lực lượng PCCC chuyên ngành phù hợp với từng cơ sở hạt nhân.
Ông Sơn cũng đặc biệt lưu ý các cảng hàng không, nhà ga đầu mối, cảng biển, cảng dầu khí cần có lực lượng PCCC chuyên nghiệp, trang bị đặc biệt.
Cẩm Quyên
Theo Vietnamnet