Đại sứ, đại diện của 193 nước thành viên LHQ đã dự và bỏ phiếu. Việt Nam đã đạt số phiếu ủng hộ 184/193, trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước trúng cử, kể cả so với 4 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an.
Nước nhiều phiếu thứ hai sau Việt Nam là Macedonia 177 phiếu; tiếp đó là Nga và Trung Quốc đều đạt 176 phiếu; Pháp 174 phiếu; Anh 171 phiếu. Cuba đạt 148 phiếu ủng hộ.
Ngoài 7 nước nêu trên, 7 nước sau cũng trúng cử và trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền. Cụ thể là: Maldives, Arập Xê-út (140 phiếu), Algeria, Morroco, Namibia, Nam Phi, Mexico.
Theo ông Phạm Quang Hiệu, Phó trưởng phái đoàn đại diện thường trực CHXHCN Việt Nam tại Liên hợp quốc, các nước trúng cử sẽ bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ là thành viên Hội đồng Nhân quyền kể từ ngày 1/1/2014, kết thúc quá trình gần 3 năm vận động và cạnh tranh phiếu quyết liệt giữa các nước ra ứng cử.
Trụ sở Liên hợp quốc tại New York. |
Việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.
Đây cũng là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng…
Việc Việt Nam trúng cử với số phiếu cao cũng thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế.
Trong nhiệm kỳ 3 năm sắp tới làm thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp trực tiếp một cách xây dựng và trách nhiệm vào công cuộc bảo vệ và thúc đẩy các giá trị quyền con người trên phạm vi toàn thế giới, cũng như có điều kiện chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm tốt từ bạn bè quốc tế nhằm đảm bảo sự thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền của mỗi người dân Việt Nam.
P.V
Theo TTXVN