Liên quan đến vụ Công ty CP thuộc da Hào Dương (Công ty Hào Dương, đóng tại KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM) xả chất thải chưa qua xử lý xuống sông Đồng Điền (nằm bên cạnh nhà máy) bị Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) bắt quả tang vào ngày 24/10, Phó chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà cho biết sẽ làm việc với Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố (HEPZA) cùng các cơ quan chức năng để rà soát lại việc thực hiện các chỉ đạo xử lý trước đây đối với những vi phạm của Công ty Hào Dương, đồng thời xem xét các biện pháp xử lý triệt để đối với Công ty này.
Trong một buổi làm việc với HEPZA vào cuối năm 2012, ông Lê Mạnh Hà cho rằng đã phát hiện quá rõ hành vi vi phạm, của công ty Hào Dương do đó không cần thiết phải lập đoàn thanh tra mà cần xử lý ngay với các sai phạm của công ty này.
Dù Công ty Hào Dương bị các cơ quan chức năng của thành phố liên tục kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu phải cải thiện chất lượng nước thải và không được xả thải trực tiếp ra môi trường. Công ty này cũng đã cam kết, hứa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn và không xả thải trực tiếp ra môi trường trước ngày 15/10/2013. Tuy nhiên, đến ngày 24/10, Cảnh sát môi trường đã phát hiện vụ xả thải trên.
Chưa kể đến 9 lần vi phạm về môi trường và nhiều lần bị xử phạt hành chính về các lỗi khác trước đó, với hành vi cố tình vi phạm, “nuốt lời” của Công ty Hào Dương cũng đủ cho thấy sự coi thường pháp luật của công ty này. Nhiều người cho rằng, sở dĩ Công ty Hào Dương lộng hành là do số tiền mà lực lượng chức năng xử phạt có lẽ chỉ là con số lẻ trong hàng chục tỷ đồng mà công ty Hào Dương đã “tiết kiệm” được mỗi năm bằng hành vi xả chất thải chưa qua xử lý ra sông Đồng Điền.
Một đường ống xả chất thải chưa qua xử lý ra sông Đồng Điền của công ty Hào Dương
Người dân sống bằng nghề đánh bắt trên sông Đồng Điền khẳng định, từ ngày Công ty Hào Dương về đây, lượng cá, tôm trên sông giảm hẳn. Nếu trước đây, một ngư dân có thể đánh bắt được từ 10-15kg cá, tôm/ngày thì hiện nay giỏi lắm chỉ được phân nửa. Vào ban đêm, khi trời mưa hoặc triều cường dân thì một mùi hối xộc lên, lan toả trên diện rộng.
Trao đổi với PV Dân trí, Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng văn phòng Luật sư Luật Tín Nghĩa – Đoàn Luật sư TPHCM khẳng định: Hành vi xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra môi trường của Công ty Hào Duơng là vi phạm nghiêm trọng qui định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Cụ thể tại Điều 7 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005.
“Với một công ty vi phạm về môi trường nhiều thì đây quả là hành vi xem thường pháp luật của lãnh đạo Công ty Hào Dương. Với vi phạm trên đã có đủ cơ sở áp dụng Điều 24, 25 và 49 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 nếu doanh nghiệp vi phạm cam kết bảo vệ môi trường, vi phạm cam kết thực hiện các biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải và tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường thì phải tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết. Đồng thời, kiến nghị cơ quan chức năng cũng cần xem xét quyết định tước quyền sử dụng giấy phép môi trường (nếu có) của Công ty Hào Dương cho đến khi có biện pháp khắc phục toàn diện và đủ tiêu chuẩn hoạt động” – Luật sư Lễ khẳng định.
Hệ thống đẩy chất thải ra "bức tử" môi trường
Luật sư Lễ chia sẻ thêm, Công ty Hào Dương cũng có thể xem là trường hợp Vedan thứ hai đã từng xảy ra trên địa bàn Đồng Nai, Tp.HCM… trước đây. Hành vi gây ô nhiễm môi trường của Công ty Hào Dương đã vi phạm pháp luật, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và gây thiệt hại cho người dân, cho xã hội. Theo qui định pháp luật, khi có hậu quả từ việc gây ô nhiễm môi trường mà người dân, tổ chức bị thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của họ thì người dân có quyền khiếu nại với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Toà án yêu cầu người gây ô nhiễm bồi thường theo qui định của Luật bảo vệ môi trường và Bộ luật dân sự.
Riêng đối với cá nhân vi phạm nếu có cơ sở xác định được cá nhân nào đã chỉ đạo, cá nhân nào thực hiện hành vi xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra môi trường mà hậu quả môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác đến thiệt hại quyền lợi hợp pháp của người dân, tổ chức thì cá nhân đó có thể bị xử lý hình sự về tội “Gây ô nhiễm môi trường” hoặc tội “Vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại”.
Phúc Yên
Theo Dân Trí