Người từ đủ 16 tuổi có thể được phẫu thuật để chuyển đổi giới tính (Đề xuất) (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Hiện nay, Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đang được tiến hành lấy ý kiến Nhân dân trên trang Duthaoonline (Quốc hội), trong đó có các nội dung đề xuất về điều kiện đối với người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.
Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính |
Cụ thể tại Điều 10 Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đã đề xuất các quy định về điều kiện đối với người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính như sau:
- Độ tuổi thực hiện can thiệp y học được quy định như sau:
(i) Người từ đủ 18 tuổi trở lên đối với các phương pháp can thiệp y học quy định tại Điều 9 Dự thảo Luật, trừ trường hợp quy định tại (ii);
(ii) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác nhận có tình trạng bức bối giới quá mức thì được thực hiện phương pháp can thiệp y học quy định tại khoản 1 Điều 9 Dự thảo Luật và khi được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
- Đã được tư vấn pháp lý theo quy định Dự thảo Luật.
- Có năng lực hành vi dân sự.
- Tình trạng hôn nhân: Có 2 phương án (đề xuất để lựa chọn)
+ Phương án 1: Độc thân.
+ Phương án 2: Không quy định tình trạng hôn nhân của người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.
- Không thuộc trường hợp đang chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ, hình phạt hình sự bổ sung như cấm đi khỏi nơi cư trú và chưa được xóa án tích.
Như vậy, đối với điều kiện có thể được phẫu thuật để chuyển đổi giới tính, Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đã đề xuất hai độ tuổi như sau:
- Người từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác nhận có tình trạng bức bối giới quá mức và khi được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Theo Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính, người đề nghị chuyển đổi giới tính được lựa chọn một trong các phương pháp can thiệp y học sau đây để chuyển đổi giới tính: - Sử dụng nội tiết tố sinh dục; - Phẫu thuật ngực và cơ quan sinh dục; - Phẫu thuật cắt bỏ triệt để các bộ phận có chức năng sinh sản gắn với giới tính cũ; - Phối hợp phẫu thuật và sử dụng nội tiết tố sinh dục; - Các phương pháp khác để chuyển đổi giới tính được các nước trên thế giới công nhận và phù hợp với Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. |
Người chuyển đổi giới tính có các quyền sau đây:
(1) Được công nhận giới tính mới sau khi đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định Dự thảo Luật;
(2) Được lựa chọn phương pháp can thiệp y học để chuyển đổi giới tính phù hợp với sức khỏe, mong muốn và khả năng tài chính của mình;
(3) Được tư vấn, hỗ trợ về tâm lý, y tế và pháp lý trước và trong quá trình thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính;
(4) Có đầy đủ quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan;
(5) Được giữ nguyên quan hệ cha, mẹ, con cũng như quyền và nghĩa vụ từ quan hệ hôn nhân gia đình trước khi chuyển đổi giới tính bao gồm cả việc nhận nuôi con nuôi;
(6) Được lưu giữ tinh trùng, trứng để duy trì nòi giống thông qua các dịch vụ sinh sản phù hợp với đạo lý và pháp luật Việt Nam.
(7) Được tham gia các hoạt động hiến máu và các chế phẩm máu, hiến tế bào gốc, hiến mô tạng một cách tự nguyện nếu có đủ sức khỏe và đảm bảo an toàn hiến tặng theo quy định của pháp luật;
(8) Được bảo lưu thông tin trên các văn bằng, chứng chỉ đã được cấp trước khi chuyển đổi giới tính;
(9) Được công nhận quyền tài sản đối với tài sản tạo lập trước khi chuyển đổi giới tính. Trường hợp trên giấy chứng nhận quyền tài sản có thông tin giới tính thì cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền tài sản có nghĩa vụ điều chỉnh thông tin giới tính theo giới tính được công nhận của người chuyển đổi giới tính;
(10) Được hưởng các chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội và quy định của pháp luật khác có liên quan phù hợp với giới tính đã chuyển đổi.
(11) Được tham gia các hoạt động thể thao, văn hóa, biểu diễn nghệ thuật theo quy định của pháp luật phù hợp với giới tính mới;
(12) Được tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và các quyền riêng tư khác theo quy định của pháp luật;
(13) Được thay đổi thông tin giới tính trên các giấy tờ tùy thân sau khi được công nhận là người chuyển đổi giới tính;
(14) Được bảo đảm quyền học tập, lao động và hòa nhập gia đình, xã hội theo giới tính đã được công nhận;
(15) Được bảo đảm các quyền khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.