Hàng hóa nào được xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại từ ngày 16/02/2024? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Ngày 28/12/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 42/2023/TT-BCT sửa đổi Thông tư 37/2019/TT-BCT hướng dẫn nội dung về biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời, biện pháp phòng vệ thương mại chính thức đối với một số hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thuộc một trong các trường hợp sau:
- Hàng hóa trong nước không sản xuất được;
- Hàng hóa có đặc điểm khác biệt với hàng hóa sản xuất trong nước mà hàng hóa sản xuất trong nước đó không thể thay thế được;
- Hàng hóa là sản phẩm đặc biệt của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước;
- Hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không được bán trên thị trường trong nước trong cùng điều kiện thông thường hoặc trong trường hợp bất khả kháng dẫn tới thiếu hụt nguồn cung của ngành sản xuất trong nước.
Các biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam trong những trường hợp cụ thể. (Khoản 1 Điều 67 Luật Quản lý ngoại thương 2017) |
(Điều 10 Thông tư 37/2019/TT-BCT, sửa đổi tại Thông tư 42/2023/TT-BCT)
Cụ thể tại Điều 13 Thông tư 37/2019/TT-BCT (sửa đổi tại Thông tư 42/2023/TT-BCT) quy định về tiêu chí xem xét và hình thức miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như sau:
(1) Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, quyết định miễn trừ đối với hàng hóa thuộc các trường hợp được miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định trên cơ sở báo cáo thẩm định hồ sơ đề nghị miễn trừ của Cơ quan điều tra. Quy trình thẩm định hồ sơ đề nghị miễn trừ do Cơ quan điều tra ban hành và công bố công khai.
(2) Trong từng vụ việc cụ thể, việc xem xét hàng hóa được đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong phạm vi quy định dựa trên một hoặc một số tiêu chí như sau:
- Quy định về danh mục hàng hóa trong nước không sản xuất được, kết luận điều tra, quy chuẩn, tiêu chuẩn, ý kiến cơ quan, tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, các tài liệu kỹ thuật liên quan khác;
- Thành phần; đặc tính vật lý; đặc tính hóa học; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; mục đích sử dụng;
- Khả năng sản xuất hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp trong nước so với hàng hóa được đề nghị xem xét miễn trừ;
- Khả năng thay thế của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước với hàng hóa được đề nghị xem xét miễn trừ.
(3) Trong từng vụ việc cụ thể, việc xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo một trong các hình thức thực hiện sau:
- Không giới hạn về đối tượng sử dụng, mục đích sử dụng, khối lượng, số lượng hàng hóa được miễn trừ trong trường hợp phân biệt được sự khác biệt giữa hàng hóa đề nghị miễn trừ và hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại;
- Hạn chế về khối lượng, số lượng hàng hóa được miễn trừ, mục đích được miễn trừ.
(4) Bộ Công Thương xem xét không miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong các trường hợp sau:
- Việc áp dụng miễn trừ biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa đó có khả năng dẫn đến hành vi gian lận nhằm lẩn tránh việc bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại;
- Tổ chức, cá nhân đã được miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa đó bị kết luận không hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ theo yêu cầu của đoàn thanh tra, kiểm tra sau miễn trừ của cơ quan điều tra.
Thông tư 42/2023/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/02/2024.