Căn cứ Luật Hợp tác xã 2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024) quy định liên hiệp hợp tác xã là tổ chức có tư cách pháp nhân do ít nhất 03 hợp tác xã là thành viên chính thức tự nguyện thành lập, hợp tác tương trợ trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực tham gia thị trường, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội phát triển bền vững; thực hiện quản trị tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ.
Điều kiện trở thành thành viên liên hiệp hợp tác xã từ 01/7/2024 (Hình từ internet)
Căn cứ Điều 34 Luật Hợp tác xã 2023 quy định điều kiện trở thành thành viên liên hiệp hợp tác xã từ 01/7/2024 như sau:
- Thành viên liên hiệp hợp tác xã bao gồm:
+ Thành viên chính thức là hợp tác xã;
+ Thành viên liên kết góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn là pháp nhân Việt Nam.
- Hợp tác xã, pháp nhân Việt Nam phải có đơn tự nguyện gia nhập, góp vốn và đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật Hợp tác xã 2023 và Điều lệ.
- Thành viên của liên hiệp hợp tác xã có thể đồng thời là thành viên của nhiều liên hiệp hợp tác xã, trừ trường hợp Điều lệ có quy định khác.
- Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi tham gia là thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn của liên hiệp hợp tác xã phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan;
+ Điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về đầu tư.
- Liên hiệp hợp tác xã có thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.
- Tổng số thành viên chính thức là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải chiếm tỷ lệ dưới 35% tổng số thành viên chính thức của liên hiệp hợp tác xã.
Căn cứ Điều 37 Luật Hợp tác xã 2023 quy định về các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên liên hiệp hợp tác xã gồm:
(1) Thành viên chấm dứt tồn tại, giải thể, phá sản;
(2) Liên hiệp hợp tác xã chấm dứt tồn tại, giải thể, phá sản;
(3) Thành viên tự nguyện ra khối liên hiệp hợp tác xã;
(4) Thành viên bị khai trừ theo quy định của Điều lệ;
(5) Thành viên không sử dụng sản phẩm, dịch vụ hoặc không góp sức lao động trong thời gian liên tục theo quy định của Điều lệ;
(6) Tại thời điểm cam kết góp đủ vốn, thành viên không thực hiện góp vốn hoặc góp vốn thấp hơn vốn góp tối thiểu quy định trong Điều lệ.
Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên liên kết góp vốn theo điểm (1), (2), (3), (4) và (6).
Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên liên kết không góp vốn bao gồm:
- Các trường hợp quy định tại các điểm (1), (2), (3), (4) và (5);
- Không nộp phí thành viên theo quy định của Điều lệ.
Thẩm quyền quyết định chấm dứt tư cách thành viên, giải quyết quyền, nghĩa vụ đối với thành viên trong trường hợp chấm dứt tư cách thành viên thực hiện theo quy định của Luật Hợp tác xã 2023 và Điều lệ.